Bão địa từ khiến 40 vệ tinh SpaceX lao thẳng xuống Trái Đất
(Dân trí) - Một cơn bão địa từ cực mạnh đã làm tê liệt 40 vệ tinh Starlink được SpaceX phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào tuần trước. Các vệ tinh được cho là sẽ lao thẳng xuống Trái Đất và bị phá hủy hoàn toàn.
Ngày 3/2, SpaceX - công ty vũ trụ của Elon Musk đã phóng một tên lửa Falcon 9 lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo 49 vệ tinh từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Sau khi phóng, 49 vệ tinh SpaceX bắt đầu quay xung quanh cách Trái Đất gần 130 dặm (210 km). Quỹ đạo thấp này được thiết kế có chủ đích để làm cho các vệ tinh có thể quay trở lại và tái sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố sau phóng. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng khiến các vệ tinh dễ bị ảnh hưởng bởi bão địa từ.
Điều SpaceX lo sợ đã xảy ra, khi một cơn bão địa từ tấn công các vệ tinh một ngày sau đó, khiến chúng bị tê liệt và lao mạnh trở lại Trái Đất. Trong hành trình di chuyển ngoài mong muốn này, chúng sẽ bị bốc cháy và phá hủy hoàn toàn.
"Thật không may, các vệ tinh được triển khai tuần trước đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi một cơn bão địa từ xảy ra 1 ngày sau đó", SpaceX cho biết trong một tuyên bố đăng tải ngày 8/2. "Phân tích sơ bộ cho thấy lực cản gia tăng ở độ cao thấp đã ngăn cản các vệ tinh rời khỏi chế độ an toàn để bắt đầu các hoạt động nâng quỹ đạo. Ước tính có tới 40 vệ tinh sẽ quay lại Trái Đất".
Bão địa từ xảy ra khi một luồng gió Mặt Trời - hay hiểu "nôm na" là các hạt mang điện từ Mặt Trời - đập vào từ trường của Trái Đất và tạo ra các hạt và dòng điện trong tầng khí quyển trên của Trái Đất. Các chuyên gia cho biết cơn bão địa từ mà các vệ tinh gặp phải được cho là đến từ cơn bão Mặt Trời, khởi động từ một vụ phun trào dữ dội ngày 30/1 vừa qua.
SpaceX cho biết trong tuyên bố rằng hệ thống GPS của các vệ tinh cho thấy cơn bão đã gây ra lực cản trong khí quyển "cao hơn tới 50% so với các lần phóng trước". Họ cũng nói rằng để giảm thiểu thiệt hại, các vệ tinh đã được điều chỉnh góc khi chúng lao xuống Trái Đất. Đây được xem là một nỗ lực của SpaceX nhằm giảm thiểu thiệt hại từ vụ phóng lần này.
SpaceX nói thêm rằng các vệ tinh Starlink đang quay quanh quỹ đạo không có nguy cơ va chạm với các vệ tinh khác và sẽ bị phá vỡ hoàn toàn khi quay trở lại khí quyển mà không tạo ra các mảnh vỡ trên quỹ đạo.
Công ty cho biết "tình huống hy hữu này" cho thấy đội ngũ Starlink đã trải qua quãng thời gian dài để đảm bảo hệ thống của họ luôn đi đầu trong việc giảm tối đa các mảnh vỡ trên quỹ đạo.
Kể từ khi các vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng vào năm 2019, SpaceX đã đưa 2.000 vệ tinh trong số chúng lên quỹ đạo Trái Đất. Không dừng lại ở con số này, công ty lập kế hoạch tung tới 42.000 vệ tinh quay quanh Trái Đất trong tương lai gần.
Việc phóng vệ tinh Starlink nằm trong chương trình cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao cùng tên của SpaceX, hướng tới mang lại trải nghiệm kết nối ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải sự phản kháng dữ dội từ các nhà thiên văn học vì các vệ tinh sáng bóng thường để lại những vệt sáng trên bầu trời đêm, dẫn tới phá hỏng các quan sát thiên văn.
Cũng có ý kiến cho rằng việc phóng quá nhiều vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất sẽ khiến khu vực này trở nên chật chội, và dễ xảy ra các vụ tai nạn va chạm ngoài không gian ngoài ý muốn, dẫn tới hậu quả khôn lường.