Mặt Trăng "lén" hút nước từ Trái Đất suốt hàng tỷ năm?
(Dân trí) - Nghiên cứu mới cho rằng những phân tử nước và băng trên Mặt Trăng có thể đến từ chính bầu khí quyển của Trái Đất.
Mặt Trăng được cho là có xấp xỉ 3.500 km khối nước dưới dạng lỏng hoặc băng vĩnh cửu ở dưới lớp bề mặt. Tuy nhiên, nguồn gốc của lượng nước này vẫn là điều còn gây tranh cãi.
Mới đây, các nhà nghiên cứu có thể đã giải đáp được bí mật này, khi cho rằng nguồn gốc của lượng nước khổng lồ trên Mặt Trăng thực ra đến từ chính Trái Đất. Hay nói cách khác, Mặt Trăng âm thầm hút nước từ Trái Đất trong suốt hàng tỷ năm.
Đó thực ra là một chuyển động của các ion hydro và oxy được đưa vào bề mặt Mặt Trăng khi nó giao thoa với phần đuôi của từ quyển Trái Đất. Khi ấy, một số kết nối của phân tử nước bị đứt gãy, dẫn đến việc các ion hydro và oxy thoát ra khỏi bầu khí quyển của Trái Đất, rồi rơi xuống bề mặt Mặt Trăng. Hiện tượng này xảy ra khoảng 5 ngày mỗi tháng Âm lịch.
Do không có từ quyển trên Mặt Trăng, nên khi các ion đập vào bề mặt, chúng tạo thành lớp băng vĩnh cửu. Một phần băng giá đó, thông qua nhiều quá trình địa chất, có thể bị đẩy xuống dưới bề mặt và biến thành nước lỏng.
Nhà địa vật lý Gunther Kletetschka từ Đại học Alaska Fairbanks mô tả rằng hiện tượng có thể giống như "Mặt Trăng đang xảy ra một cơn mưa rào". Sau đó, các miệng núi lửa và các vết nứt trên bề mặt Mặt Trăng sẽ tạo ra lớp phủ cần thiết để ngăn cho nước không bị "bốc hơi ngược" ra ngoài không gian.
Giả thuyết này rất được các nhà khoa học tin cậy. Họ cho rằng mặc dù nước trên Mặt Trăng có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, song rất nhiều trong số đó có thể đã đến nhờ phương pháp này.
Tính đến nay, lượng nước tích tụ trên Mặt Trăng được cho rằng có thể đã đủ để lấp đầy hồ Huron khổng lồ ở Bắc Mỹ.