1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Lần đầu trong lịch sử, máy bay "tóm gọn" tên lửa sau khi phóng

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ Mỹ Rocket Lab đã thực hiện thành công kế hoạch "điên rồ" khi đón một tên lửa đẩy sau khi nó trở về Trái Đất từ không gian.

Lần đầu trong lịch sử, máy bay tóm gọn tên lửa sau khi phóng - 1

Tên lửa Electron được phóng ngày 2/5, mang theo 34 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất (Ảnh: Rocket Lab).

Ngày 2/5, Rocket Lab đã gửi 34 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa đẩy 2 tầng Electron. Như thường lệ, sau khi hoàn tất nhiệm vụ, tên lửa này quay trở lại Trái Đất và giảm tốc độ bằng những chiếc dù.

Tuy nhiên thay vì hạ cánh xuống đại dương (và không bao giờ được sử dụng nữa) như những lần khác, Rocket Lab đã cố gắng "bắt" tên lửa Electron trước khi nó chạm xuống bề mặt hành tinh của chúng ta. 15 phút sau khi tên lửa được phóng, một chiếc trực thăng Sikorsky S-92 đã được điều động để bay tới khu vực.

Khi tên lửa bắt đầu hạ độ cao và tiến vào bầu khí quyển, máy bay móc lấy dây dù của tên lửa bằng một sợi dây cáp chắc chắn, hoàn tất sứ mệnh lịch sử của Rocket Lab nói riêng, và ngành công nghiệp vũ trụ nói chung.

Được biết, đây là một phần trong những nỗ lực của Rocket Lab nhằm tăng khả năng tái sử dụng của tên lửa Electron, bằng cách giảm chi phí và tăng tần suất phóng. Từ đó, họ có thể hướng đến nhiều lần phóng hơn, với mức độ hiệu quả tăng cao cho mỗi sứ mệnh.

Video ghi lại quá trình máy bay "tóm gọn" tên lửa sau khi phóng của Rocket Lab.

Trước đây, những người yêu khoa học vũ trụ đã quen thuộc với các tên lửa Falcon có thể tái sử dụng của SpaceX, khi chúng thường hạ cánh và kết thúc giai đoạn đầu tiên trên một "tàu sân bay" không người lái ngoài đại dương.

Thế nhưng đối với Electron - vốn chỉ cao 18 mét (so với 70 mét của Falcon 9), thì kích thước quá nhỏ của chúng đã không cho phép làm điều tương tự. Theo lý giải của Rocket Lab, các tên lửa đẩy Electron ở giai đoạn đầu không thể mang theo đủ nhiên liệu để sử dụng cho hoạt động hạ cánh. Vì vậy, công ty đã quyết định thực hiện chiến dịch đặc biệt để "bắt" lấy nó bằng trực thăng.

Được biết, nhiệm vụ này từng bị trì hoãn nhiều lần do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trong lần phóng mới đây, Rocket Lab quyết định đặt tên cho chuyến bay là "There And Back Again" (tới đó và quay trở lại), nhằm đánh dấu một bước ngoặt mới trong ngành khoa học vũ trụ.

34 vệ tinh đã được phóng trong sứ mệnh này, nhiều hơn bất kỳ nhiệm vụ Electron nào trước đó. Tất cả vệ tinh dự kiến sẽ được triển khai vào quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời cách Trái đất khoảng 520 km khoảng 1 giờ sau khi cất cánh. Sứ mệnh cũng đã nâng tổng số vệ tinh được Electron mang theo lên quỹ đạo cho đến nay là con số 146.

Ngoài Electron, Rocket Lab cũng đang phát triển một tên lửa với kích thước lớn hơn, có tên là Neutron, dự kiến sẽ được phóng lần đầu tiên vào năm 2024. Neutron được thiết kế để có thể tái sử dụng một phần ngay từ đầu, và giai đoạn đầu của nó sẽ hạ cánh bằng lực đẩy giống tên lửa Falcon 9.

Theo www.space.com