Loài xương rồng cao 6 mét chính thức tuyệt chủng do nước biển dâng cao

Minh Khôi

(Dân trí) - Mực nước biển vẫn tăng lên mỗi ngày khiến nhiều loài động thực vật mất đi nơi sống, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Loài xương rồng cao 6 mét chính thức tuyệt chủng do nước biển dâng cao - 1

Cây xương rồng ở quần đảo Florida Keys, bang Florida (Mỹ) có thể cao tới 6 mét (Ảnh: Getty).

Một loài xương rồng quý hiếm ở bang Florida (Mỹ) đã chính thức tuyệt chủng do mực nước biển dâng cao. Đây là thực vật đầu tiên trên thế giới biến mất vì lý do kể trên.

Loài xương rồng Key Largo (tên khoa học: Pilosocereus millspaughii) nổi tiếng nhờ những đặc điểm thú vị, như cao tới 6 mét, có hoa màu vàng kem, và mùi thơm hơi cay giống như tỏi.

Chúng vốn chỉ giới hạn trong một quần thể nhỏ duy nhất ở quần đảo Florida Keys thuộc bang Florida (Mỹ) sau khi lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1992.

Mặc dù loài xương rồng này được theo dõi vô cùng cẩn thận, song sự xâm nhập của nước mặn do mực nước biển dâng cao, kết hợp cùng tình trạng xói mòn đất do bão và thủy triều, đã gây áp lực đáng kể lên những quần thể cuối cùng còn sót lại.

Đến năm 2021, một nhóm gồm khoảng 150 thân cây xương rồng tại khu vực đã suy giảm đáng kể, chỉ còn vỏn vẹn 6 thân cây sống sót.

Loài xương rồng cao 6 mét chính thức tuyệt chủng do nước biển dâng cao - 2

Một cây xương rồng Key Largo đang nở hoa (Ảnh: Getty).

Jennifer Possley, giám đốc bảo tồn tại Vườn bách thảo nhiệt đới Fairchild, cho biết bất chấp những nỗ lực của đội ngũ bảo tồn, loài xương rồng quý hiếm vẫn không ngừng chết đi, và tới nay không còn một cá thể nào sống sót.

Nước biển dâng cao được xem là nguyên nhân số 1 dẫn tới cái chết của loài này. Đây cũng là tình trạng chung, khiến nhiều hệ sinh thái gặp nguy hiểm, trong bối cảnh biến đổi khí hậu do con người gây ra vẫn chưa có dấu hiệu bị làm chậm.

Tại các đại dương trên thế giới, mực nước biển vẫn tăng lên mỗi ngày do tình trạng băng tan. Không chỉ vậy, nước trong đại dương ấm lên cũng giãn nở, khiến thể tích của chúng không ngừng gia tăng.

Hệ quả là nhiều khu vực vốn là nơi sinh sống của các loài động thực vật như gấu bắc cực, chim cánh cụt… bị biến mất, khiến chúng mất đi nơi trú ẩn và thức ăn, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Theo www.sciencealert.com