1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Loài vật này sẽ giúp con người đạt trạng thái "không tưởng"?

Minh Khôi

(Dân trí) - Trạng thái kỳ lạ vốn dĩ không có ở con người sắp được áp dụng, giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe và chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo.

Loài vật này sẽ giúp con người đạt trạng thái không tưởng? - 1

Nghiên cứu động vật ngủ đông và áp dụng trên người giúp chúng ta đạt tới trạng thái "không tưởng" (Ảnh: Đại học Alaska).

Ngủ đông - khả năng đặc biệt của một số loài động vật

Ngủ đông không chỉ là ngủ. Trên thực tế, nó hoàn toàn khác với giấc ngủ thông thường. Đây là nhận định của các nhà nghiên cứu khi họ tìm hiểu về thói quen tự nhiên kỳ lạ này của một số loài động vật, điển hình là sóc đất Bắc Cực.

Dễ nhận thấy đối với giấc ngủ thông thường, não bộ luôn hoạt động rất tích cực. Thế nhưng ở trạng thái ngủ đông, hoạt động của não được đẩy xuống cực kỳ thấp.

Không chỉ vậy, nhiệt độ cơ thể của động vật ngủ đông cũng giảm xuống. Trong một số trường hợp cá biệt, thân nhiệt của chúng có thể giảm gần đến điểm đóng băng, khiến các tế bào ngừng phân chia và nhịp tim giảm xuống chỉ còn khoảng 2 nhịp mỗi phút.

Tuy nhiên một khi thức dậy, các loài động vật đang ngủ đông sẽ "sống" lại mà không chịu bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào.

Loài vật này sẽ giúp con người đạt trạng thái không tưởng? - 2

Sóc đất Bắc Cực có thể không ăn, uống suốt 8 tháng mà vẫn sống khỏe (Ảnh: Getty).

Đó chính là điểm khác biệt lớn, khiến con người không thể đạt tới trạng thái này dù chúng ta có "ngủ" một thời gian dài, như những người bị hôn mê, hay nằm liệt giường lâu ngày.

Đối với đa số trường hợp, giống như các phi hành gia trong môi trường vi trọng lực, nạn nhân sẽ phải chịu nhiều tác dụng phụ như mất cơ, mất xương, suy thoái cơ quan nội tạng...

Sóc đất Bắc Cực giúp con người lần đầu tiên đạt tới trạng thái không tưởng?

NASA từ lâu đã nghiên cứu về giấc ngủ đông với mục đích phá vỡ những rào cản của cơ thể người, từ đó giúp các phi hành gia dễ dàng thực hiện nhiệm vụ của họ bên ngoài vũ trụ.

Sau hơn 2 thập kỷ tìm hiểu về động vật ngủ đông, GS. Kelly Drew - người được NASA trợ cấp cho những nghiên cứu đặc biệt, dường như cuối cùng đã tìm ra lời giải. Theo GS. Kelly, nghiên cứu đã tìm ra cách thức ngủ đông của loài sóc đất Bắc Cực, từ đó có thể áp dụng lên con người.

Ý tưởng đó là thay vì để các phi hành gia thức và sinh hoạt nhiều tháng trong một không gian nhỏ bé, đồng thời tiêu thụ thức ăn, nước uống và không khí, họ sẽ được đưa vào trạng thái ngủ đông.

Loài vật này sẽ giúp con người đạt trạng thái không tưởng? - 3

Phi hành gia có thể được đưa vào trạng thái ngủ đông để bảo vệ sức khỏe, cũng như tiết kiệm tài nguyên cho các chuyến bay dài ngày (Ảnh: NASA).

Các phi hành gia ngủ đông sẽ không cần bất kỳ thức ăn hay nước uống nào. Họ cũng hít thở ít không khí hơn đáng kể. Khi thức dậy, những người này sẽ có tình trạng sức khỏe, gồm xương và cơ bắp thậm chí tốt hơn nhiều lần so với những người đồng hành đang thức.

"Nghiên cứu này có thể được sử dụng để hỗ trợ các sứ mệnh trong tương lai, khi bảo vệ các phi hành gia khỏi bức xạ ion hóa, cũng như ngăn ngừa tình trạng mất cơ và xương trong điều kiện không trọng lực", NASA cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài ra, trạng thái ngủ đông cũng có thể giúp ích trong môi trường y tế, nhằm giúp bảo vệ bệnh nhân khỏi các tình trạng đe dọa tính mạng như đau tim và đột quỵ.

"Những bệnh nhân bị đột quỵ hoặc đau tim có thể được đưa vào trạng thái ngủ đông", NASA cho biết thêm.

"Điều này làm chậm quá trình trao đổi chất, giúp họ duy trì thể trạng đến khi được chuyển đến bệnh viện, và cải thiện đáng kể kết quả chữa bệnh".