1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Loài chim độc đáo ngủ hơn 10.000 lần mỗi ngày

Minh Khôi

(Dân trí) - Những con chim cánh cụt có thể đã phát triển đặc điểm này vì chúng luôn cần phải thường xuyên cảnh giác tới môi trường xung quanh.

Loài chim độc đáo ngủ hơn 10.000 lần mỗi ngày - 1

Chim cánh cụt Chinstrap ngủ hơn 10.000 lần mỗi ngày, với thời gian trung bình của mỗi giấc ngủ kéo dài 3,91 giây (Ảnh: Getty).

Ở người, ngủ gật trong vài giây là dấu hiệu của việc chúng ta đã ngủ không đủ giấc, và có thể nguy hiểm trong một số tình huống, chẳng hạn như khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Thế nhưng ở một số loài động vật, việc ngủ gật lại là một "chiến thuật" hiệu quả, giúp chúng có được những khoảng nghỉ ngơi và phục hồi cần thiết để duy trì thể trạng tốt nhất.

Điển hình như loài chim cánh cụt Chinstrap (còn gọi là chim cánh cụt quai mũ) có thể ngủ hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lần mỗi ngày, với mỗi chu kỳ giấc ngủ chỉ kéo dài trung bình 4 giây.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, các nhà khoa học cho rằng những con chim cánh cụt có thể đã phát triển đặc điểm này vì chúng luôn cần phải thường xuyên cảnh giác tới môi trường xung quanh.

Để làm điều này, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học thần kinh Lyon đã sử dụng gia tốc kế và GPS để nghiên cứu chuyển động, cũng như vị trí của cơ thể của chim cánh cụt.

Kết hợp với việc quay video và quan sát trực tiếp trong nhiều ngày, họ có thể xác định được nhiều điểm đặc biệt ở loài động vật này.

Theo đó, giấc ngủ của chim cánh cụt xảy ra khi chúng đứng hoặc nằm để ấp trứng, với thời gian trung bình của mỗi giấc ngủ kéo dài 3,91 giây. Tổng cộng mỗi ngày, các cá thể có thể ngủ tới hơn 10.000 lần.

Loài chim độc đáo ngủ hơn 10.000 lần mỗi ngày - 2

Chim cánh cụt với máy đo chế độ ngủ và máy ghi GPS được gắn trên lưng (Ảnh: Science).

Mặc dù các nhà khoa học chưa trực tiếp đo lường được rằng liệu loài chim này có được lợi ích phục hồi từ giấc ngủ hay không, nhưng thực tế là chim cánh cụt đã thành công trong việc sinh sản và sinh tồn.

Đến mức điều đó khiến chúng tin rằng những giấc ngủ ngắn thực sự là một "chiến thuật" đúng đắn. Một số giả thuyết cho rằng chúng mang lại cho loài chim này cơ hội để nghi ngơi và phục hồi.

Vậy câu hỏi là liệu con người có thể áp dụng chiến lược tương tự như chim cánh cụt để mang đến lợi ích trong sức khỏe hay không?

Câu trả lời là không, vì các tình trạng khiến giấc ngủ bị gián đoạn thường sẽ tác động đến chức năng nhận thức, và thậm chí có thể gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer.

Chim cánh cụt Chinstrap, vốn dĩ được đặt tên theo dải lông màu đen mỏng kéo dài từ bên tai này sang tai kia, có thể là loài chim cánh cụt phổ biến nhất hiện nay.

Số lượng loài hiện tại của chúng ước tính khoảng gần 8 triệu cặp sinh sản, chủ yếu được tìm thấy ở Bán đảo Nam Cực và các đảo Nam Đại Tây Dương.

Khi làm tổ, chim cánh cụt bố mẹ phải một mình trông coi trứng, đồng thời bảo vệ chúng khỏi những kẻ săn mồi tiềm năng. Trong khi đó, bạn tình của chúng sẽ bước vào những chuyến kiếm ăn kéo dài vài ngày.

Chúng cũng phải bảo vệ tổ của mình khỏi những con chim cánh cụt khác có thể cố gắng ăn trộm vật liệu làm tổ. Khi đối tác chim cánh cụt quay trở lại sau chuyến đi săn, cặp đôi sẽ chuyển đổi vai trò linh hoạt.