1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Liên Hợp Quốc cảnh báo hiểm họa "gây sốc" từ tiểu hành tinh đe dọa Trái đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiều vật thể có kích thước lớn đang tiến đến gần Trái đất mà chưa được xác định.

Liên Hợp Quốc cảnh báo hiểm họa gây sốc từ tiểu hành tinh đe dọa Trái đất - 1

Mới đây, Sputnik đã trích dẫn một báo cáo được công bố trên trang web của Tiểu ban Khoa học - Kỹ thuật của Ủy ban Liên Hợp Quốc về việc sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Theo đó, hiện các nhà khoa học chỉ xác định được khoảng 40% các vật thể có kích thước lớn đang tiến đến gần Trái đất, báo cáo cho biết.

Trước đó, ông Boris Shutov, Giám đốc khoa học của Viện Thiên văn học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng các chuyên gia chỉ biết đến khoảng 1/10 các thiên thể vũ trụ có kích thước lớn hơn 100m, còn những thiên thể kích thước khoảng 50m giống như thiên thạch Tunguska thì chỉ biết được 1%.

Trong suốt hàng thập kỷ, các nhà thiên văn học luôn cho rằng những vật thể có kích thước lớn tiến về Trái đất có thể trở thành một tai họa nghiêm trọng nếu không có sự chuẩn bị từ trước.

Thông thường, một vật có đường kính nhỏ hơn 50m sẽ cháy rụi trên đường đi. Tuy nhiên, nếu một khối đá có đường kính khoảng 1km khi rơi xuống mặt đất có đủ sức xóa sạch cả một thành phố.

Liên Hợp Quốc cảnh báo hiểm họa gây sốc từ tiểu hành tinh đe dọa Trái đất - 2

Hố thiên thạch Barringer nổi tiếng với đường kính 1,2km ở phía bắc sa mạc Arizona (Mỹ) là minh chứng hùng hồn cho thấy những vết thương trên Trái Đất do các thiên thạch gây ra.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân khiến cho loài khủng long biến mất là do một thiên thạch lớn rơi xuống Trái Đất 64 triệu năm trước, đâm vào khu vực Trung Mỹ.

Đến nay, giả thuyết đáng tin cậy nhất của vụ va chạm này chúng đã sinh ra lớp bụi che lấp ánh sáng Mặt trời trong nhiều năm, từ đó giết chết đa số các loài thực vật - vốn dĩ thức ăn của loài khủng long, khiến chúng tuyệt chủng.

Rất may là vũ trụ rất rộng lớn, nên khả năng Trái đất bị tấn công bởi một thiên thạch rất nhỏ, có thể chỉ vài nghìn năm một lần.

Cũng có những trường hợp các vật thể bốc cháy trong khí quyển Trái Đất, hay đâm xuống mặt đất không phải là thiên thạch, mà là rác vũ trụ.

Tính đến ngày 17/4/2021, thế giới ghi nhận có 25.647 vật thể gồm các tiểu hành tinh và sao chổi đang tiến lại gần Trái đất. Trong đó năm 2020 xác lập số lượng kỷ lục với 2.959 vật thể được phát hiện.

Tuy nhiên chỉ tính riêng trong năm 2020, mạng lưới các đài quan sát thiên văn trên toàn thế giới đặt tại hơn 40 quốc gia đã thu thập gần 39,5 triệu bản ghi về việc quan sát được các vật thể tương tự - nhiều hơn đáng kể so với con số thống kê.