1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã "chạm tới Mặt trời"

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Một cột mới được thiết lập cho ngành vũ trụ trong năm 2021 khi tàu thăm dò Mặt trời mang tên Parker của NASA tiến vào bên trong bầu khí quyển của Mặt Trời.

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã chạm tới Mặt trời - 1

Được phóng vào năm 2018, tàu thăm dò Mặt trời Parker của NASA đã đạt được thành tựu mà trước đây con người chưa thể làm được, đó là tiến vào bầu khí quyển của Mặt Trời (còn gọi là vùng nhật hoa) ở khoảng cách xấp xỉ 8,1 triệu dặm (13 triệu km) so với bề mặt ngôi sao này.

Kết quả của chuyến bay vừa mới được báo cáo tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU), tổ chức ngày 14/12 vừa qua. Theo đó, tàu Parker đã thực hiện tổng cộng 3 chuyến vào bầu khí quyển của Mặt Trời, một trong số đó kéo dài tới 5 giờ đồng hồ.

Các nhà khoa học cho biết bằng cách đi vào và lấy mẫu tại bầu khí quyển của Mặt Trời, tàu Parker đã đạt được một thành tựu khoa học tương tự như khi con người hạ cánh lên Mặt Trăng.

Theo tính toán, ở phần trên của bầu khí quyển Mặt Trời là nơi có nhiệt độ trung bình khoảng 2 triệu độ F (1 triệu độ C), nóng hơn bề mặt phát sáng của Mặt Trời với chỉ xấp xỉ 5.500 độ C.

Lần đầu tiên trong lịch sử, con người đã chạm tới Mặt trời - 2

Ở lần tiếp cận gần nhất, tàu thám hiểm Parker sẽ di chuyển xung quanh Mặt Trời với vận tốc xấp xỉ 690.000 km/h (Ảnh: Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins).

Được biết, các luồng gió Mặt Trời vô cùng mạnh mẽ, được tạo thành từ dòng plasma và các hạt năng lượng cao sinh ra trong vành nhật hoa, nhưng hầu hết bị giữ lại bởi từ trường. Điều này đã làm hạn chế các vụ nổ plasma bắn ra từ bề mặt của ngôi sao lớn nhất trong Hệ Mặt trời.

Tuy nhiên khi luồng gió Mặt Trời vượt quá một tốc độ nhất định và vượt qua bầu khí quyển, một vị trí được gọi là điểm Alfvén, chúng có thể thoát ra khỏi các giới hạn từ trường. Tuy nhiên trong suốt hàng thế kỷ, các nhà khoa học vẫn chưa thể biết chính xác rằng điểm đó nằm ở đâu.

Với thành tựu của mình, tàu thám hiểm Parker đã chính thức trả lời cho câu hỏi này.

Ngoài ra, những dữ liệu được tàu Parker thu thập trong vành nhật hoa cũng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lực chuyển động tạo ra lượng năng lượng khổng lồ.

Đây có thể là một bước nhảy vọt khổng lồ cho ngành khoa học năng lượng mặt trời, khi nhân loại tìm ra nguồn gốc đã cung cấp năng lượng cho Mặt Trời và các ngôi sao khác nằm trong hệ thiên hà nơi chúng ta sinh sống.