Kính viễn vọng không gian Euclid và sứ mệnh lập bản đồ "vũ trụ tối"
(Dân trí) - Euclid sẽ hướng thấu kính đến các vùng bên ngoài Dải Ngân hà, thiên hà của chúng ta, cho ra những hình ảnh rõ ràng hơn ít nhất 4 lần so với những gì kính viễn vọng thu được từ mặt đất.
Vào lúc 22:11 ngày 1/7 (giờ Việt Nam), kính viễn vọng không gian Euclid đã được phóng thành công lên quỹ đạo tầm thấp trong một sứ mệnh quan trọng, nhằm lập bản đồ "vũ trụ tối" của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Buổi phóng diễn ra tại Tổ hợp Phóng Không gian 40 tại Trạm không quân Mũi Canaveral, Florida (Mỹ). Một tên lửa SpaceX Falcon 9 đã được sử dụng để đưa Euclid bay lên cao.
Theo ESA, Euclid là kính viễn vọng không gian mới nhất của họ. Nó được thiết kế với mục đích đặc biệt, là tìm kiếm vật chất tối vô hình và năng lượng tối - những thứ vẫn tồn tại dưới một dạng nào đó trong vũ trụ, mà con người không thể quan sát thấy trước đây.
Các nhà vũ trụ học cho rằng việc hiểu rõ hành vi của những dạng vật chất này có thể mang đến kiến thức vô giá về sự hợp nhất của các thiên hà, sự giãn nở của vũ trụ hay chuyển động của các ngôi sao riêng lẻ... khi tất cả đều chịu tác động của năng lượng tối và vật chất tối.
Carole Mundell, Giám đốc khoa học của ESA, đồng thời là người giám sát của sứ mệnh, cho biết: "Euclid sẽ hướng con mắt đến các vùng bên ngoài Dải Ngân hà, thiên hà của chúng ta, để lập bản đồ".
Euclid thực hiện điều này nhờ sự trợ giúp của hai thiết bị gắn kèm, có thể phát hiện các bước sóng ánh sáng khả kiến và tia hồng ngoại, từ đó phát hiện ra chuyển động của những vật thể ở xa này.
Từ không gian, thấu kính "sắc bén" của Euclid sẽ cho ra những hình ảnh rõ ràng hơn ít nhất 4 lần so với những gì kính viễn vọng thu được từ mặt đất, do nằm cách xa bầu khí quyển gây nhiễu của Trái Đất.
Kính thiên văn Euclid trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, được nghiên cứu và chế tạo từ cách đây gần 2 thập kỷ. Theo ESA, Euclid sẽ mất khoảng 30 ngày để đi đến địa điểm không gian sâu, nơi nó sẽ được cố định và hoạt động trong nhiệm vụ kéo dài dự kiến 6 năm.