1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia dân sự lên trạm vũ trụ Thiên Cung

Minh Khôi

(Dân trí) - Thần Châu 16 là sứ mệnh vũ trụ đầu tiên có sự tham gia của phi hành gia dân sự, đã được Trung Quốc khởi động thành công.

Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia dân sự lên trạm vũ trụ Thiên Cung - 1

Trung Quốc phóng tàu vũ trụ đưa phi hành gia dân sự lên trạm vũ trụ Thiên Cung ngày 30/5 (Ảnh: AP).

Sáng 30/5 (theo giờ Việt Nam), Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 16 (Shenzhou 16) gắn trên tên lửa đẩy Trường Chinh 2F, từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền- Nội Mông.

Phi hành đoàn trong sứ mệnh có 3 người, gồm chỉ huy trưởng Jing Haipeng, kỹ sư hàng không vũ trụ Gui Haichao, và Giáo sư Zhu Yangzhu từ Đại học Beihang.

Theo Cơ quan Quản lý Chương trình Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA), đây là chuyến bay đầu tiên có sự tham gia của phi hành gia dân sự trong sứ mệnh. Trước đó, tất cả phi hành gia của Trung Quốc được gửi vào vũ trụ đều thuộc biên chế quân đội.

Nhiệm vụ của nhóm 3 phi hành gia này dự kiến kéo dài 5 tháng, bao gồm các nghiên cứu chuyên sâu trên trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong), đồng thời tiếp quản công việc từ các đồng nghiệp thuộc sứ mệnh Thần Châu 15 trước đó.

Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia dân sự lên trạm vũ trụ Thiên Cung - 2

Các phi hành gia Trung Quốc thuộc sứ mệnh Thần Châu 16 trước khi bước lên tàu tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (Ảnh: AP).

Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đã hoàn thành kết nối 3 mô-đun của trạm Thiên Cung, và sẽ bước vào giai đoạn sử dụng kể từ năm 2023. Trung Quốc đặt mục tiêu hoạt động nghiên cứu trên trạm Thiên Cung trong ít nhất 1 thập kỷ tới.

Theo các quan chức Trung Quốc, trạm vũ trụ này chỉ nặng bằng khoảng 20% so với Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Dẫu vậy, giới chức nước này vẫn sẽ mở cửa chào đón các phi hành gia nước ngoài du hành tới Thiên Cung, cũng như các khách du lịch tiềm năng.

Theo SCMP, số người trên quỹ đạo Trái Đất từ sau sứ mệnh Thần Châu 16 bao gồm 17 người, với 11 phi hành gia mang quốc tịch Mỹ và Nga, cùng 6 phi hành gia Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch hoàn thành sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng trước năm 2030.

Một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng có người lái sẽ là một cột mốc quan trọng đối với hoạt động thám hiểm không gian của Trung Quốc và thế giới. Chưa có bất kỳ ai khác đặt chân lên Mặt Trăng kể từ sau các sứ mệnh Apollo của Mỹ vào những năm 1960 và 1970.

Đây được xem là nỗ lực đáng ghi nhận của nền kinh tế thứ hai thế giới trong việc cố gắng bắt kịp Mỹ và Nga trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đồng thời có thể khai mở ra một cuộc đua căng thẳng.