1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kính thiên văn bắt được 70 hành tinh "sinh ra từ hư không"

Tại một vùng hình thành sao bí ẩn nằm trong chòm sao Thiên Yết và Xà Phu, có ít nhất 70 hành tinh đang trong trạng thái trôi nổi tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ "mặt trời" nào.

Theo Sci-News, kết quả đáng kinh ngạc nói trên đã được xác định từ bộ dữ liệu 20 năm thu thập bởi các đài thiên văn thuộc NSF''s NOIRLab, Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii và Kính viễn vọng Subaru, gồm hơn 80.000 hình ảnh rõ nét về vùng không gian cách Trái Đất 420 năm ánh sáng.

Kính thiên văn bắt được 70 hành tinh sinh ra từ hư không - 1

Một "hành tinh lang thang" - Ảnh đồ họa từ ESO.

 Được gọi là Liên kết sao trẻ Thượng Thiên Yến, vùng hình thành sao này có ít nhất 70 hành tinh - và có thể lên tới 170 hành tinh - trôi nổi tự do. Đó là một dạng hành tinh hoàn toàn bí ẩn được phát hiện ngày một nhiều trong những năm gần đây, với khối lượng không vượt quá 13 lần Sao Mộc.

Hầu hết các hành tinh thông thường đều giống như Trái Đất của chúng ta: sinh ra từ đĩa tiền hành tinh của một ngôi sao mẹ và liên kết phần đời còn lại với ngôi sao mẹ. Nhưng dạng hành tinh trôi nổi nói trên thì không.

Chúng là dạng vật thể có phần "cao cấp" hơn hành tinh nhưng lại không đủ to và không có được phản ứng nhiệt hạch phù hợp để có thể được coi là một ngôi sao. Và chúng dường như "sinh ra từ hư không", tức hình thành trực tiếp từ các đám mây phân tử đang chứa đựng chúng.

Do không được chiếu sáng bởi sao mẹ nên các hành tinh này rất mờ, và ngày một mờ đi theo tuổi đời. Vì vậy hầu hết hành tinh trôi nổi đều được quan sát khi chúng còn trẻ.

Theo tiến sĩ Núria Miret-Roig, nhà thiên văn học từ Phòng thí nghiệm Vật lý thiên văn Bordeaux và Đại học Vienna, một trong các tác giả dẫn đầu nghiên cứu, họ đã không dám mong đợi tìm được nhiều hành tinh trôi nổi đến thế.

Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu tin rằng thiên hà chứa Trái Đất Milky Way có thể ngập đầy dạng hành tinh này - lên tới vài tỉ.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.