NASA công bố âm thanh ma quái, được tàu thăm dò ghi lại ở vệ tinh xa xôi

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - "Âm thanh này khiến bạn cảm thấy sởn gai ốc", nhà vật lý Scott Bolton, điều tra viên chính của tàu thăm dò cho biết. Nó chứa đựng những thông tin gì?

NASA công bố âm thanh ma quái, được tàu thăm dò ghi lại ở vệ tinh xa xôi - 1

Ganymede - vệ tinh của sao Mộc là nơi NASA từng nghi ngờ về khả năng tồn tại của biển ngầm và sự sống.

Ngày 7/6, tàu thăm dò Juno của NASA bay gần Ganymede - vệ tinh của sao Mộc và được xem là lớn nhất trong hệ Mặt Trời - đã ghi lại sóng điện từ tạo ra trong từ quyển ở khoảng cách hơn 628,3 triệu km từ Trái Đất.

Khi tần số của những phát xạ này được chuyển sang phạm vi âm thanh, chúng tạo nên một tập hợp các tiếng hú và thét đầy ma quái, giống như một dạng ngôn ngữ giao tiếp kỳ lạ của người ngoài hành tinh mà con người chưa biết đến.

Âm thanh này đã được công bố tại Cuộc họp của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ năm 2021.

NASA công bố âm thanh ma quái, được tàu thăm dò ghi lại ở vệ tinh xa xôi.

Nhà vật lý Scott Bolton của Viện Nghiên cứu Tây Nam, điều tra viên chính của tàu Juno cho biết: "Âm thanh này khiến bạn cảm thấy sởn gai ốc, giống như bạn đang ở ngay kế bên tàu Juno đi nó ngang qua Ganymede lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Chúng tôi sẽ phân tích để xem nó chứa đựng những thông tin gì".

"Nếu lắng nghe kỹ, chúng ta có thể nghe thấy sự thay đổi đột ngột ở các tần số cao hơn. Điều này dường như cho thấy tàu Juno đang di chuyển qua một vùng khác trong từ quyển trên vệ tinh Ganymede", Scott lý giải thêm.

Theo các nhà khoa học, việc chuyển đổi dữ liệu thành tần số âm thanh không chỉ là để giải trí. Nó còn là phương thức quan trọng để truy cập và trải nghiệm những hình thức khác nhau của dữ liệu. Từ các thông tin này, con người có thể tìm ra các chi tiết nhỏ có thể đã bị bỏ qua.

Nhà vật lý kiêm thiên văn học William Kurth của Đại học Iowa cho biết: "Có thể sự thay đổi tần số tức thời ngay sau khi tiếp cận là Juno di chuyển từ phía ban đêm sang phía ban ngày của Ganymede".

Vệ tinh này thậm chí còn lớn hơn cả sao Thủy, hay thậm chí là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời. Nó chứa phần lõi hoàn toàn khác biệt với hành tinh chủ, và có thể tồn một đại dương lỏng nằm sâu bên dưới lớp vỏ băng giá - có thể tồn tại sự sống.

Theo NASA, Ganymede chứa nhiều nước hơn tất cả đại dương trên Trái Đất cộng lại. Tuy nhiên, vì nhiệt độ quá lạnh nên tất cả nước trên bề mặt đều bị đóng băng. Do nước bị đóng băng nên không hề có sự bốc hơi nào. Điều quan trọng kế đến là Ganymede có từ trường riêng. Nó là mặt trăng duy nhất của Hệ Mặt trời sở hữu điều này.

NASA công bố âm thanh ma quái, được tàu thăm dò ghi lại ở vệ tinh xa xôi - 2

Cấu tạo và so sánh kích thước của Ganymede với Trái Đất, Mặt Trăng (Ảnh: NASA).

Tàu vũ trụ Galileo, từng nghiên cứu Sao Mộc trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, cũng lấy mẫu không gian xung quanh Ganymede, và thậm chí đã khám phá ra rằng sóng plasma xung quanh mặt trăng này mạnh hơn 1 triệu lần so với hoạt động trung bình ở khoảng cách tương ứng xung quanh Sao Mộc.

Dữ liệu cũng cho thấy từ trường của Sao Mộc đã trải qua một sự thay đổi lớn trong 5 năm qua. Bản đồ mới của hành tinh này của nhóm nghiên cứu cho thấy lực nổ của Sao Mộc được tạo ra bởi một lớp hydro kim loại bao quanh lõi của nó.

Sứ mệnh cùng tàu thăm dò Juno sẽ được mở rộng cho đến tháng 6/2025. Kể từ nay tới đó, nó sẽ tiếp tục cung cấp những hiểu biết đáng kinh ngạc về Sao Mộc - hành tinh thứ 5 trong Hệ Mặt trời của chúng ta.