Khủng long tuyệt chủng vì thiếu “hồ giao phối”
(Dân trí) - Nhà sinh vật học khẳng định rằng khủng long dựa vào những hồ nước nông nhất để sinh sản thành công, vì việc giao phối trên đất liền là điều không thể do tầm vóc khổng lồ của loài bò sát này; và khi những cái hồ này biến mất, khủng long cũng biến mất theo.
Brian J. Ford, một nhà sinh vật học độc lập người Anh và nhân vật nổi tiếng trên truyền hình, đã đưa ra một giả thuyết mới có thể giải thích tại sao loài bò sát khổng lồ là khủng long lại tuyệt chủng hàng triệu năm trước – chỉ vì chúng không thể giao phối!
Theo Ford, sự tuyệt chủng của khủng long không phải do một tảng đá ngoài vũ trụ đâm vào bề mặt Trái đất gây ra, mà là do sự trôi giạt lục địa đã tách các siêu lục địa của Trái đất ra và phá hủy những chiếc hồ nông mà khủng long được cho là cần để sinh sản.
Theo giải thích của nhà khoa học, khủng long quá nặng và to lớn không thể giao phối trên mặt đất mà cần có thêm sự hỗ trợ từ lực đẩy của nước, để thực hiện thành công quá trình giao phối.
Ford thông tin trên tờ Sun: “Khi các lục địa trôi dạt, các hồ nước nông chìm xuống, và hệ sinh thái của khủng long biến mất. Những con khủng long khổng lồ chỉ có thể tiến hóa khi lội trong nước nông để giảm bớt trọng lượng của mình. Khi bề mặt Trái đất thay đổi, môi trường của chúng biến mất… và chúng cũng vậy”.
Ford cũng suy đoán rằng nếu những hồ nước nông lúc đó không biến mất, có lẽ khủng long sẽ vẫn còn sống sót, và “những kẻ săn trộm sẽ săn lùng chúng như săn lùng những động vật hoang dã khác”.
Lộc Xuân (Theo Sputnik)