Khu công nghệ cao Hòa Lạc sắp được bàn giao về TP. Hà Nội

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội nhằm thuận lợi hơn cho việc phát triển đô thị xung quanh, cũng như thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển khoa học.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc sắp được bàn giao về TP. Hà Nội - 1

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tại phiên họp báo chiều 5/4 (Ảnh: BTC).

Chiều 5/4 Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo thường kỳ Quý I/2023. Sự kiện do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì.

Theo báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2023, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Trong số các nội dung được đưa ra trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, cũng như chỉ ra nhiều khó khăn, bất cập liên quan tới giải phóng mặt bằng, hình thành khu đô thị, giao thông...

Để giải quyết những bất cập này, trong thời gian tới, Thứ trưởng Duy cho biết Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện Đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về TP. Hà Nội.

Đây là quyết định nằm trong chủ chương Nghị quyết của Đảng, cũng như chiến lược phát triển KH&CN qua các thời kỳ và theo thông lệ quốc tế. Đại diện của Bộ KH&CN cho biết khi TP. Hà Nội tiếp nhận giữ nguyên công nghệ lõi của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sẽ có thêm đầu tư trong lĩnh vực giao thông, phát triển khu đô thị xung quanh, với mục tiêu hướng đến trở thành đô thị văn hóa, giáo dục, KH&CN.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc sắp được bàn giao về TP. Hà Nội - 2

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng (Ảnh: Hà Phong).

Khu công nghệ cao Hòa Lạc vốn nằm trong chuỗi quy hoạch đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, được Chính phủ phê duyệt lần đầu trong Quyết định số 372/QĐ-TTg, ngày 2/6/1997. Sau đó, quy hoạch của khu vực được điều chỉnh 2 lần, một lần được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008, lần khác vào năm 2016 theo Quyết định số 899/QĐ-TTg.

Sau nhiều năm phát triển, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang chuyển mình để trở thành một Khu công nghệ cao thông minh, phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy mở về đổi mới sáng tạo, giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực KH&CN, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, Công nghệ sinh học phục vụ y tế, Công nghệ cơ khí chính xác, Công nghệ tự động hóa...

Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Hiện Khu công nghệ cao Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng, và là khu công nghệ cao duy nhất trên cả nước không trực thuộc chính quyền địa phương.

Bên cạnh nội dung trên, tại họp báo, Bộ KH&CN cũng tiến hành phê duyệt một số phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN, Đổi mới sáng tạo đến năm 2025 của ngành KH&CN, cũng như triển khai các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

Trong quý I/2023, Bộ KH&CN cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp của KH-CN và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Căn cứ chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình/kế hoạch công tác của Bộ, trong quý II/2023, Bộ KH&CN sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH-CN.