Khoa học công nghệ đóng góp tích cực vào thành công chung của cả nước
(Dân trí) - Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục khẳng định vai trò đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Ngày 28/12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2022, cũng như trao đổi, thảo luận giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trong năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá KHCN&ĐMST đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Nổi bật trong đó là nỗ lực xây dựng chủ trương của Đảng về KHCN&ĐMST, hướng tới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Còn một số lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết trong năm 2022, Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan chủ trì việc soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ và được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6.
Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đăng ký sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật là Luật KH&CN, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là đột phá chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, phát triển KHCN&ĐMST là yếu tố then chốt để đáp ứng các yêu cầu, ứng phó các thách thức và tận dụng các cơ hội đặt ra từ bối cảnh mới như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, các vấn đề an ninh phi truyền thống...
Hướng đến năm 2023, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến KHCN&ĐMST. Bộ KH&CN đã và đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách phát triển thị trường KH&CN, chính sách thí điểm việc thương mại hóa.
Cùng với đó là các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, chính sách về thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.