1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoáng chất hiếm lần đầu tiên được phát hiện bên trong cơ thể động vật sống

Minh Khôi

(Dân trí) - Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern, Mỹ, lần đầu tiên phát hiện một loài nhuyễn thể có biệt danh là "khối thịt lang thang" mang một loại khoáng chất sắt quý hiếm.

Khoáng chất hiếm lần đầu tiên được phát hiện bên trong cơ thể động vật sống - 1

Chiton có hình dạng giống như một miếng thịt màu nâu đỏ. (Ảnh: Đại học Northwestern)

Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern, Mỹ, lần đầu tiên phát hiện một loài nhuyễn thể có biệt danh là "khối thịt lang thang" mang một loại khoáng chất sắt quý hiếm.

Đây là một loài nhuyễn thể lớn, có tên khoa học là Cryptochiton stelleri, gọi tắt là chiton. Biệt danh của chúng xuất phát từ cơ thể màu nâu đỏ của chúng trông giống như một miếng thịt khi đặt trên chảo.

Được biết, chiton thường sống dọc theo các bờ biển có nhiều quặng đá. Mẫu vật chiton lớn nhất trên thế giới có thể đạt chiều dài 33 cm, nặng 2kg.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi tìm thấy santabarbaraite - khoáng chất sắt hiếm gặp, bên trong răng của chiton. Trước đây khoáng chất này chỉ tồn tại trong đá.

"Khoáng chất santabarbaraite chỉ được quan sát thấy trong các mẫu địa chất với số lượng cực kỳ nhỏ và chưa bao giờ được nhìn thấy trong các sinh vật sinh học", Derk Joester, phó giáo sư khoa học và kỹ thuật vật liệu tại Đại học Northwestern cho biết. "Chúng tôi nghĩ rằng nó có tác dụng làm chắc răng hơn là tăng thêm trọng lượng."

Khoáng chất hiếm lần đầu tiên được phát hiện bên trong cơ thể động vật sống - 2

Răng của Cryptochiton stelleri được tạo thành từ santabarbaraite, một hydroxy phosphate mới chỉ được phát hiện ở Tuscany, Ý vào năm 2000. (Ảnh: Đại học Northwestern)

Theo lý giải này, các chiton dường như luôn cần răng thật cứng chắc, vì chúng thường xuyên phải nhai đá để loại bỏ tảo và thức ăn khác.

Răng của chúng là một trong những vật liệu cứng nhất trong tự nhiên và được gắn vào một cấu trúc giống như lưỡi linh hoạt gọi là radula.

Sử dụng nhiều phương pháp phân tích tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne và Trung tâm Nguyên tử, Nano và Thí nghiệm của Đại học Northwestern, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các khoáng chất trong phần tiếp giáp răng với cấu trúc radula của chiton.

Nghiên cứu mới này giúp các nhà khoa học hiểu được răng chiton có khả năng chống mài mòn như thế nào và phát triển loại mực in 3D có thể tạo ra vật liệu siêu cứng với độ bền cao.

Nhờ lấy cảm hứng từ khám phá này, Derk và các đồng nghiệp của ông đang ấp ủ sẽ sản xuất một loại mực có chứa sắt và phốt phát trộn với một hợp chất tự nhiên do chiton tạo ra. Khi mực khô, nó tạo ra một vật liệu cứng chắc.