Kết nối các nhà khoa học của Nhật bản với giới khoa học và doanh nghiệp Việt

(Dân trí) - Ngày 03/5, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) phối hợp với Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) cùng với các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Thông tin khoa học và công nghệ luôn là yếu tố quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạch chính sách của đất nước.

Do đó, Hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp” được tổ chức với kỳ vọng tạo ra sự kết nối giữa các nhà khoa học của Nhật Bản với giới khoa học và các doanh nghiệp ở trong nước, phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nội dung của chương trình tập trung vào 4 chủ đề lớn gồm: Trí tuệ nhân tạo, Vi mạch, Thành phố thông minh và Nông nghiệp công nghệ cao.

Tham dự Hội thảo này có Tiến sỹ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, giáo sư Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, Nhật Bản, giáo sư Trần Đặng Xuân, Đại học Hiroshima, Nhật Bản, giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Toán Cao cấp Việt Nam, tiến sỹ Lê Hoài Quốc, Khu Công nghệ cao Sài Gòn, các nhà khoa học trẻ thuộc Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản, lãnh đạo, đại diện cho các doanh nghiệp, Tập đoàn Vingroup, CMC, FPT, Tiến Nông.

Kết nối các nhà khoa học của Nhật bản với giới khoa học và doanh nghiệp Việt - 1

Đông đảo các nhà khoa học đến từ Nhật Bản đã đến tham dự hội thảo. 

Tại hội thảo diễn ra vào sáng 3/5, hàng loạt các thông tin khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của một số tổ chức nghiên cứu tại Nhật Bản và Việt Nam được giới thiệu, đồng thời công bố các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực chính là Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh và Nông nghiệp công nghệ cao của các nhà khoa học trẻ người Việt Nam đang làm việc và học tập tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ tại Nhật Bản.

Kết nối các nhà khoa học của Nhật bản với giới khoa học và doanh nghiệp Việt - 2

Quang cảnh hội thảo. 

Chẳng hạn như, GS Trần Đăng Xuân -  Đại học Hiroshima, Nhật Bản đã thẳng thắn đề cập đến việc sử dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm cải thiện thu nhập của nông dân ở Việt Nam.

Theo GS Xuân, năm 2017, đóng góp của nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp ở Việt Nam vào GDP của cả nước là 15,34%, nhưng dân số trong lĩnh vực này chiếm hơn 40%. Cả hai con số này được dự đoán sẽ giảm trong một tương lai gần. Rõ ràng, nó cần hướng tới nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng sản lượng và đạt chất lượng sản phẩm tốt hơn tại Việt Nam. 

Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã đóng góp khoảng 25% tổng giá trị nông sản, do đó nó cho thấy một cơ hội đáng kể cho sự tăng trưởng. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện nay rất ít sản phẩm từ nông nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

“Chúng ta cần tăng số lượng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến bằng cách cải thiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ các quốc gia có kinh nghiệm trong các công nghệ như Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giúp sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn”, GS Xuân chia sẻ.

Cũng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Tiến sĩ Đặng Quốc Thuyết - Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia, Nhật Bản lại đề cập chuyên sâu về tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). 

Tiến sĩ Thuyết cho rằng, sự phát triển của AI đã mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Minh chứng cho điều này, TS Thuyết đã chia sẻ ngắn gọn về ứng dụng của các thuật toán AI  để giải quyết các vấn đề như xử lý môi trường, ứng dụng cho máy móc nông nghiệp thông minh. Các nghiên cứu điển hình bao gồm đánh giá phân tích đa biến về chất lượng sản phẩm nông nghiệp và học máy chuyên sâu cho thị giác máy tính - Computer Vision (CV) đối với robot nông nghiệp thông minh trong công nghệ sau thu hoạch.

Kết nối các nhà khoa học của Nhật bản với giới khoa học và doanh nghiệp Việt - 3

Tiến sĩ Trần Đắc Hiến - Cục trưởng NASATI.

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Trần Đắc Hiến – Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho hay, các chủ đề về Nông nghiệp công nghệ cao và các giải pháp hữu ích có thể áp dụng tại Việt Nam đã được trình bày ngày 3/5. Các chủ đề còn lại sẽ được NASATI phối hợp với các Tập đoàn Vingroup, CMC, FPT thực hiện trong các hoạt động bên lề của Hội thảo do các Tập đoàn chủ trì thực hiện.

“Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp các giải pháp hữu ích cho nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, mối quan hệ hợp tác giữa NASATI với VANJ và các Tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới”, TS Hiến nói.

Trong chiều ngày 3/5, 22 Giáo sư, tiến sỹ Việt đang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản đã có những bài thuyết trình và thảo luận về chủ đề Trí tuệ nhân tạo và Vi mạch tại tập đoàn FPT. 

Nguyễn Hùng