Kế hoạch "điên rồ" khai thác bụi Mặt Trăng để tạo lá chắn bảo vệ Trái Đất

Phạm Hường

(Dân trí) - Trước tình hình khủng hoảng khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm cách hạn chế tác động và giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Kế hoạch điên rồ khai thác bụi Mặt Trăng để tạo lá chắn bảo vệ Trái Đất - 1

Bề mặt của Mặt Trăng (Ảnh: NASA).

Mới đây, ba nhà vật lý thiên văn đã đề xuất một kế hoạch tạo lá chắn bằng bụi mặt trăng và bắn các lá chắn này vào không gian.

Nghe có vẻ không tưởng nhưng theo nghiên cứu, các lá chắn này có khả năng che được 1,8% các tia mặt trời, tương đương với 6 ngày nắng mỗi năm. Lá chắn bụi mặt trăng sẽ giúp giảm nhiệt độ Trái Đất, chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tuy nhiên, để làm được việc đó, chúng ta cần khai thác khoảng 11 triệu tấn bụi mặt trăng. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí uy tín Thư viện Khoa học cộng đồng (PLOS). Các nhà nghiên cứu cho rằng bụi khai thác từ Mặt Trăng sẽ phải trụ lại được trong hàng triệu km không gian từ quỹ đạo Trái Đất thì mới có hy vọng tạo ra những lá chắn thực sự chống lại các tia mặt trời. Nhưng chính xác thì làm thế nào để chúng ta đưa được bụi mặt trăng vào không gian?

Theo kế hoạch, chúng ta sẽ khai thác bụi trên Mặt Trăng và dùng những khẩu súng lớn đặt trên bề mặt Mặt Trăng để bắn lượng bụi này về phía Trái Đất. Tuy vậy, rủi ro là chúng ta không thể kiểm soát được nhiều, không thể chắc chắn chúng bay đi những đâu trong vũ trụ.

Lượng bụi trôi nổi không kiểm soát sẽ đòi hỏi chúng ta phải bắn nhiều bụi hơn nữa vào không gian, gần như đồng nghĩa với yêu cầu chúng ta phải liên tục thực hiện việc này chừng nào còn muốn sử dụng lá chắn bụi như vậy. Tuy có vẻ rủi ro, nhưng đây không phải là kế hoạch duy nhất về việc tạo ra những vật cản nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời để giúp Trái Đất chống lại biến đổi khí hậu.

Một trong những kế hoạch khác nữa là tạo ra các bong bóng vũ trụ và đưa chúng lên vị trí ở chính giữa Trái Đất với Mặt Trời. Tuy vậy, tất cả các kế hoạch này đều rất tốn kém vì đưa các vật thể lên không gian không hề đơn giản. Và chắc chắn sẽ còn có thêm nhiều sáng kiến và kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu được phát minh trong tương lai.