Hiện tượng "siêu trăng hồng" khiến thế giới thích thú
(Dân trí) - Thời điểm diễn ra "siêu trăng", mặt trăng sẽ sáng hơn khoảng 15% và lớn hơn khoảng 7% so với thông thường, có thể quan sát bằng mắt thường.
Khoảng 10 giờ 32 phút trưa ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), hiện tượng kỳ thú được gọi là "siêu trăng hồng" đã diễn ra, với kích thước siêu trăng được cho là lớn nhất trong năm nay.
Mặt trăng hồng mang ý nghĩa của sự sinh sôi, thắp sáng bầu trời đêm. Hiện tượng này đã thu hút đông đảo các nhiếp ảnh gia và người yêu khoa học khám phá trên thế giới.
Lý giải hiện tượng kỳ thú
Theo NASA, thuật ngữ "siêu trăng" được đặt ra từ năm 1979 bởi nhà chiêm tinh học Richard Nolle, đề cập đến mặt trăng mới hoặc trăng tròn vô tình nằm gần Trái Đất.
Theo đó, nếu chia khoảng cách giữa mặt trăng và Trái Đất theo thang điểm 1-10 trong quỹ đạo của nó, thì "siêu trăng" xuất hiện khi nó rơi vào khoảng 10% gần Trái Đất nhất.
Chúng ta không thể thấy được trăng mới, tức mặt trăng những đêm 30, mùng 1 âm lịch, còn nằm trong vùng tối, vì vậy các siêu trăng tròn trở nên nổi tiếng hơn.
Thời điểm diễn ra "siêu trăng", mặt trăng sẽ sáng hơn khoảng 15% và lớn hơn khoảng 7% so với thông thường.
"Siêu trăng hồng" không thực sự màu hồng?
Tên gọi "siêu trăng hồng" được dịch từ tiếng Anh là "super pink moon" nhưng thực sự thì mặt trăng không hề có màu hồng khi xảy ra hiện tượng này như nhiều người vẫn nhầm tưởng.
Theo đó, mặt trăng vào ngày "siêu trăng hồng" vẫn có màu vàng như thông thường. Tên gọi của hiện tượng siêu nhiên này xuất phát từ tên loài hoa chi anh (moss phlox) có nguồn gốc từ khu vực miền Đông và trung tâm nước Mỹ, thường nở rộ vào những ngày trăng tròn tháng 4.
Theo niên giám Old Farmer's Almanac, sẽ có hai siêu trăng trong năm 2021. Siêu trăng lần 2 sẽ xuất hiện vào ngày 26/5 tới đây.