1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người

Nam Đoàn

(Dân trí) - Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tiềm ẩn lớn nguy cơ các hạt vi nhựa phân rã ra biển, không khí và theo chuỗi thức ăn vào cơ thể tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đến sức khỏe.

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người - 1
Tái chế rác thải nhựa tại thôn Xà Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ đưa các hạt vi nhựa vào môi trường nước (Ảnh: Tố Linh).

Cụ thể, theo số liệu thống kê của từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa với khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn trôi nổi ra biển. Đáng chú ý, 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn lấp, đốt và chỉ có khoảng 10% còn lại được tái chế.

Những rác thải nhựa như túi nilon, chai lọ, ống hút,... khi vứt ra môi trường có thể tồn tại từ 400 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Hiểm họa hạt vi nhựa trong thực phẩm hằng ngày

Khi rác thải nhựa trôi nổi ra đại dương, sông hồ, chúng phân rã thành các hạt vi nhựa tồn tại trong nước, được các loài sinh vật nuốt phải trở thành vật trung gian theo chuỗi thức ăn vào con người. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Đối tác hành động về Nhựa và và Sức khỏe (PHA) cho biết: "Rác thải nhựa trôi nổi trên đại dương, trong quá trình thủy hóa, gây ra một phần không nhỏ các hạt vi nhựa tồn tại trong nước biển, muối biển và các sinh vật hay đóng băng ở Nam Cực hoặc thậm chí trong chính nước máy hằng ngày mà chúng ta đang sử dụng".

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người - 2
Ông Nguyễn Đức Vinh, Chủ tịch Mạng lưới Nhựa và Sức khỏe trao đổi với PV (Ảnh: Đoàn Trung Nam).

"Đáng chú ý, hầu hết các nhà máy xử lý nước sạch tại Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn chưa có công nghệ hiện đại để có thể loại bỏ triệt để các hạt vi nhựa này", Ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ thêm.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về hạt vi nhựa tồn tại trong thực phẩm như ở loài vẹm xanh châu Á (Thanh Hóa), cá cơm, tôm đất, cá lưỡi trâu, cá lù đù (khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai)...

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người - 3
Vẹm xanh là một trong những sinh vật đầu tiên được nghiên cứu về nồng độ vi nhựa tại Việt Nam (Ảnh: PHA).

Những loài này thường có kích thước nhỏ nên thường được người dân tiêu thụ nguyên con, không loại bỏ các cơ quan tiêu hóa trước khi chế biến thức ăn dẫn đến việc các hạt vi nhựa này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể.

"Đặc biệt, loài cá cơm là nguyên vật liệu để người dân sản xuất nước mắm cốt mà các hộ gia đình sử dụng hằng ngày trong nấu ăn cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm các hạt vi nhựa", Chủ tịch PHA cho biết.

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người - 4
Nhiều bãi tập kết rác thải nhựa không được phân loại gây ô nhiễm và khiến các hạt vi nhựa phân rã ra môi trường (Ảnh: Thế Hưng).

Không chỉ tồn tại trong một số loài động vật thủy sinh, các hạt vi nhựa cũng có thể gián tiếp đi vào cơ thể con người qua những vật dụng đựng thức uống bằng nhựa như túi nilon, hộp xốp, đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa một lần.

Khi thức ăn nóng ở một nhiệt độ nhất định sẽ nhiệt phân các dụng cụ này thành các hạt vi nhựa, bám vào thức ăn và đi vào cơ thể người, cùng với đó, nhiệt độ nóng của thức ăn có thể thôi ra những hóa chất, phụ gia độc hại của đồ dùng nhựa, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ngoài ra, các hạt vi nhựa còn có thể tồn tại trong không khí, khi con người hít phải cũng có thể gây viêm nhiễm.

Vi nhựa đe dọa cuộc sống ra sao?

Các hạt vi nhựa trong môi trường không chỉ đe dọa đến sức khỏe con người, nó còn đang tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên.

Hạt vi nhựa tiềm ẩn trong chuỗi thức ăn, đe dọa sức khỏe con người - 5
Hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào trong nhau thai gây dị tật cho thai nhi (Ảnh minh họa).

Theo một số chuyên gia, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào con người khi tiếp xúc qua da, trôi nổi ngoài đại dương, sông hồ theo chuỗi thức ăn vào cơ thể hay trung gian truyền hóa chất và vi sinh vật độc hại.

Khi các hạt này tích tụ đến một lượng nhất định, có thể gây nên hiện tượng rối loạn miễn dịch, hình thành cục máu, gây các bệnh ung thư, đặc biệt là có thể gây các bệnh dị tật cho thai nhi (quái thai).

"Các hạt vi nhựa bên cạnh gây nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người, chúng còn phá vỡ hệ sinh thái làm ô nhiễm đất, nguồn nước từ sông ra biển, tồn tại trong các sinh vật (trung gian) chuyển vào con người", ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Giải pháp nào để giảm thiểu vi nhựa trong môi trường?

Chính phủ Việt Nam hiện nay đã và đang đưa ra những chính sách quyết liệt nhằm giảm thiểu rác thải nhựa nói chung và ô nhiễm vi nhựa nói riêng. Điển hình như, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm.

Và sau ngày 31/12/2030 nước ta sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. 

Bên cạnh đó, nhiều thành phố khu du dịch tại nước ta như đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã cấm người dân mang những đồ nhựa dùng một lần, túi nilon ra biển đảo.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, bên cạnh những chính sách và biện pháp của Chính phủ, người dân cũng cần phải nâng cao ý thức để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường, như phân loại rác thải ngay trong gia đình mình.

Hạn chế dùng đồ dùng đồ nhựa một lần, thay vào đó nên dùng những sản phẩm thay thế từ những vật dụng khác làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường như tre đan thay cho túi nilon, hay dụng cụ đựng đồ ăn từ nhôm, inox...