1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hành tinh "địa ngục" có bầu trời kim loại và thứ rất giống Trái Đất

Một trong những hành tinh kỳ quái nhất trong lịch sử khai phá các thế giới ngoài hệ Mặt Trời đã được các nhà khoa học Thụy Điển xác định.

Theo Phys.org, đó là hành tinh mang tên WASP-189b, quay quanh một ngôi sao loại A non trẻ, mới 730 triệu năm tuổi và cách xa chúng ta 322 năm ánh sáng, trong chòm sao Thiên Bình.

Ngôi sao này lớn hơn và nóng hơn Mặt Trời tới 2.000 độ C nên phát ra ánh sáng màu xanh lam.

Hành tinh địa ngục có bầu trời kim loại và thứ rất giống Trái Đất - 1

Ảnh đồ họa mô tả WASP-189b bên ngôi sao mẹ nóng bỏng - Ảnh: Sci-News

WASP-189b là một hành tinh khổng lồ khí có bán kính 1,6 lần Sao Mộc của chúng ta, được phát hiện khi nó bay ngang sao mẹ. Nằm gần sao mẹ hơn 20 lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và có quỹ đạo chỉ 2,7 ngày, hành tinh này có nhiệt độ trung bình kiểu "địa ngục": 2.386 độ C.

"Nó là một trong những hành tinh chuyển tiếp sáng nhất từng được biết đến nên rất thích hợp cho các nghiên cứu quang phổ về bầu khí quyển" - nhà thiên văn học Bibiana Prinoth từ Đại học Lund (Thụy Điển), tác giả chính của nghiên cứu, nói trên tờ Sci-News.

Họ đã phát hiện ra hệ sao này nhờ kính viễn vọng không gian CHEOPS của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).

Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Astronomy này cho hay bầu khí quyển của thế giới này đầy kim loại... bốc hơi, như sắt, crom, vanadi, ma-giê, mangan và đặc biệt nhất là oxit titan, thứ rất hiếm trên Trái Đất.

Kỳ lạ hơn, oxit titan bốc hơi này đã tích tụ thành một cấu trúc y hệt tầng ozone của địa cầu, bảo vệ hành tinh khỏi các bức xạ có hại từ sao mẹ. Tầng ozone trên Trái Đất là một lớp áo giáp quan trọng góp phần bảo tồn sự sống, "tầng ozone" của WASP-189b cũng vậy. Nhưng rất tiếc với các điều kiện địa ngục khác, hành tinh này vẫn gần như chắc chắn không sống được.

Theo Anh Thư
Người Lao Động

Theo nld.com.vn