1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hãi hùng “sát thủ” tí hon dưới lòng đại dương

(Dân trí) - Một du khách Australia đã vô tình giữ một trong những động vật độc hại nhất thế giới trên tay của mình. Rất may mắn là đã không bị thiệt mạng.

Trong một đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội, một du khách ở Úc được nhìn thấy đang cầm một con bạch tuộc có khả năng giết chết một người trưởng thành chỉ trong vài phút.

Hãi hùng “sát thủ” tí hon dưới lòng đại dương - 1
Loài bạch tuộc tí hon có vòng xanh trên cơ thể cực kì nguy hiểm với con người.

Vấn đề đáng nói là “sát thủ” này có kích thước khá nhỏ bé và lại rất dễ thương. Đó là một con bạch tuộc vô cùng hung dữ đặc hữu của khu vực Tây Australia và bắc Tasmania.

Con bạch tuộc có vòng màu xanh lam trên thân mình là một trong những loài động vật có nọc độc nhất được tìm thấy dưới lòng đại dương.

Nọc độc của con bạch tuộc vòng này mạnh gấp 1.000 lần so với chất độc xyanua và dù chỉ có kích thước bằng quả bóng golf nhưng nó chứa đủ nọc độc để giết 26 người trong vòng vài phút.

Đặc biệt hơn, loài bạch tuộc này còn có thể xâm nhập vào bộ đồ lặn của các thợ lặn, nếu không để ý rất khó phát hiện.

Hãi hùng “sát thủ” tí hon dưới lòng đại dương - 2
Tuy nhỏ bé nhưng bạch tuộc vòng xanh có chất độc cực mạnh.

Tuy nhiên, loài bạch tuộc này chỉ tấn công đối thủ khi nó bị khiêu khích hoặc tấn công.

Chất độc trong bạch tuộc xanh có chứa một chất độc thần kinh tương tự được tìm thấy trong cá nóc gọi là Tetrodotoxin. Được sử dụng để săn con mồi và để bảo vệ chống lại kẻ săn mồi.

Tetrodotoxin hoạt động bằng cách chặn tín hiệu thần kinh qua cơ thể để gây tê cơ cũng như buồn nôn, giảm thị lực và mất cảm giác và kỹ năng vận động của đối thủ.

Cuối cùng việc tê liệt vận động khiến cơ thể ngừng thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong do ngạt thở. Nạn nhân thường nhận thức được những gì đang xảy ra nhưng không thể làm gì được.

Hiện tại, vẫn chưa có thuốc giải độc với nọc độc của bạch tuộc vòng xanh, nhưng nếu biết cách sơ cứu và hỗ trợ kịp thời liên tục hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim có thể cứu một nạn nhân cho đến khi vết thương tan biến.

Minh Long (Theo IFL Science)