Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt:

Giám sát nghiêm ngặt 2 loài linh trưởng quý hiếm

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Mới đây, cơ quan chức năng đã giao Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt trực tiếp giám sát hai loài linh trưởng quý hiếm được phát hiện ở khu vực này, tránh nguy cơ bị tuyệt chủng.

Giám sát nghiêm ngặt 2 loài linh trưởng quý hiếm  - 1

Theo giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt, loài voọc xám này chỉ phân bố ở Thái Lan, Vân Nam (Trung Quốc), Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, thì loài này xuất hiện, sinh sống ở Khu BTTN Pù Hoạt và đang được thực hiện giám sát.

Ngày 19/9, ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt (Nghệ An) cho biết, theo số liệu thống kế danh lục động vật của đơn vị trong tổng số 589 loài, thì bộ linh trưởng có 8/589 loài, đặc biệt trong đó có 2 loài linh trưởng quý hiếm đang đứng trước tình trạng nguy cấp (VU) trong sách đỏ Việt Nam và bậc nguy cấp trong sách đỏ thế giới đó là voọc xám và vượn má trắng.

Ông Sinh cho biết, loài voọc xám này chỉ phân bố ở Thái Lan, Vân Nam (Trung Quốc), Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, loài này hiện chỉ phân bố ở một số tỉnh từ vùng Tây Bắc đến Nghệ An với các quần thể nhỏ và đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng cá thể rất cao do tình trạng săn bắn và mất sinh cảnh. Điều đó cho thấy, bảo tồn voọc xám đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trong khi đó, loài vượn đen má trắng - là loài vượn bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tại Nghệ An, một quần thể 455 con vượn đen má trắng gồm nhiều đàn nhỏ đã được phát hiện năm 2011 tại Vườn quốc gia Pù Mát, (huyện Con Cuông, Nghệ An), gần biên giới với Lào. Quần thể này nằm cách xa khu dân cư và chiếm 2/3 số lượng vượn đen má trắng tại Việt Nam.

Loài vượn má trắng có giá trị lớn về mặt khoa học. Theo kết quả điều tra khảo sát và phỏng vấn người dân tại xã Hạnh Dịch, Thông Thụ (huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An) những khu vực giáp biên giới Việt - Lào trong phạm vi quản lý của Khu BTTN Pù Hoạt đã phát hiện có sự xuất hiện của loài này.

Giám sát nghiêm ngặt 2 loài linh trưởng quý hiếm  - 2

Vượn đen má trắng ở Khu BTTN Pù Hoạt cũng đang được giám sát chặt chẽ. 

"Chúng tôi đã đề xuất thực hiện dự án kiểm đếm và giám sát quần thể voọc xám và vượn đen má trắng tại Khu BTTN Pù Hoạt, nhằm xác định hiện trạng quần thể làm cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn bền vững quần thể hai loài linh trưởng này tránh nguy cơ bị tuyệt chủng", ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Cũng theo ông Sinh, hiện nay quần thể voọc xám và vượn đen má trắng sẽ được giám sát vị trí, số lượng của loài ở Khu BTTN Pù Hoạt trên các tuyến là hoạt động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển loài nguy cấp quý hiếm trước thực trạng săn bắt dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.

Theo đó, Khu BTTN Pù Hoạt sẽ lập quy mô và phạm vi tác động đến tất cả các thôn bản, thuộc 3/9 xã trong phân vùng quản lý đơn vị, cụ thể xã: Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ (huyện Quế Phong) để thực hiện việc giám sát này.

"Công tác bảo tồn là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị, những thành quả của chương trình sẽ giúp cho đơn vị nắm được đặc điểm tình hình 2 loài quý hiếm nói trên và những tác động đến số lượng loài, từ đó tiếp tục xây dựng các phương án quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn", ông Nguyễn Văn Sinh nói.

Giám sát nghiêm ngặt 2 loài linh trưởng quý hiếm  - 3

Hiện nay công tác giám sát hai loài linh trưởng voọc xám và vượn đen má trắng ở Khu BTTN Pù Hoạt đang được thực hiện khá nghiêm ngặt tránh bị người dân săn bắt.

Hoạt động này khi triển khai đã phát huy được hiệu quả, do đó, ngay cả sau khi kết thúc dự án giám sát, cán bộ Khu BTTN Pù Hoạt tiếp tục thiết lập và tiến hành dự án giám sát các loài động quý hiếm trên. Đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn những mối đe dọa trực tiếp do săn bắn bất hợp pháp, các trường hợp vi phạm khác trong khu bảo tồn. 

Người đứng đầu Khu BTTN Pù Hoạt khẳng định, việc hoạt động giám sát loài nguy cấp quý hiếm voọc xám và vượn đen má trắng cũng như các hoạt động khác của dự án là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của Khu BTTN Pù Hoạt, cũng như phù hợp với chủ trương của các cấp chính quyền về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm