Giải mã tiểu hành tinh chứa đầy vàng đang lởn vởn quanh Trái đất

Theo công bố mới nhất của NASA, tiểu hành tinh Bennu với đường kính gần 500m, rất giàu bạch kim và vàng và là một trong 2 tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất cao nhất trong Hệ Mặt trời.

Một bóng ma đúng nghĩa

Giải mã tiểu hành tinh chứa đầy vàng đang lởn vởn quanh Trái đất - 1

Theo phân loại của NASA, Bennu là tiểu hành tinh loại B, có nghĩa nó chứa rất nhiều carbon và cùng với các khoáng chất khác nhau của nó. Hàm lượng carbon lớn của Bennu tạo ra một bề mặt tối tăm chỉ phản chiếu khoảng 4% ánh sáng chiếu vào. Để tiện so sánh, hành tinh sáng nhất của hệ mặt trời, sao Kim, phản chiếu khoảng 65% ánh sáng mặt trời chiếu tới còn Trái đất phản chiếu khoảng 30%. Nói một cách ví von, tiểu hành tinh này chẳng khác nào một bóng ma lởn vởn quanh trái đất với khoảng cách 400 nghìn km.

Bennu được đặt tên vào năm 2013 bởi Michael Puzio, một cậu bé 9 tuổi đến từ Bắc Carolina (Mỹ), người đã chiến thắng trong cuộc thi đặt tên cho tiểu hành tinh này. Michael Puzio đã chọn Thần điểu Bennu của người Ai Cập cổ đại cho tiểu hành tinh này từ việc liên tưởng thấy cánh tay và tấm pin mặt trời của Cơ chế cảm ứng và di chuyển (TAGSAM) của một con tàu vũ trụ giống với cổ và cánh trong hình minh họa về Bennu của người Ai Cập xưa.

Có vàng, bạch kim và cả lời giải về sự sống

Bennu được phát hiện năm 1999 và NASA coi đây là một trong 2 tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm với Trái đất cao nhất trong Hệ Mặt trời. Vì thế, NASA đã gửi một tàu thăm dò có tên Osiris-Rex tới Bennu năm 2018 . Sau 2,5 nghiên cứu, OSIRIS-Rex đem đến những hiểu biết rõ hơn về quỹ đạo của tiểu hành tinh này và hiện con tàu đang trên đường trở lại Trái đất, mang theo khoảng 60g mẫu vật từ Bennu.

Theo NASA, Bennu rất giàu bạch kim và vàng so với lớp vỏ trung bình trên Trái đất, tuy "trữ lượng" của nó không nhiều như tiểu hành tinh Psyche 16 vốn được "định giá" lên đến 10 tỷ tỷ USD. Bên cạnh đó, với tuổi đời khoảng 4,5 tỷ năm, Bennu là một trong những tàn tích còn sót lại của Hệ Mặt trời thuở sơ khai và những gì thu thập được từ tiểu hành tinh này có thể giúp loài người tiến thêm một bước trên hành trình tìm kiếm nguồn gốc sự sống.

Giải mã tiểu hành tinh chứa đầy vàng đang lởn vởn quanh Trái đất - 2

Ảnh minh họa tàu thăm dò OSIRIS-Rex của NASA tiếp cận tiểu hành tinh Bennu

Xác suất va chạm 1/2700

Theo tính toán của NASA, Bennu sẽ áp sát trái đất vào năm 2135 nhưng do có khoảng 20-40% thể tích rỗng, nó sẽ bị lực hấp dẫn của Trái đất làm thay đổi quỹ đạo và chệch hướng. Tuy nhiên, lực hấp dẫn không phải yếu tố duy nhất liên quan đến đường đi của Bennu.

Một ngày trên tiểu hành tinh này chỉ kéo dài 4 giờ 17,8 phút, do đó phần bề mặt đối diện với Mặt trời thay đổi liên tục và được ánh sáng sưởi ấm. Khi Bennu tiếp tục quay, nó giải phóng lượng nhiệt kể trên, tạo ra một lực đẩy rất nhỏ về phía Mặt trời khoảng 0,29 km mỗi năm, làm thay đổi quỹ đạo của nó.

Thời điểm Bennu có nguy cơ cao nhất lao vào trái đất sẽ là ngày 24/9/2182, với xác suất va chạm 1/2700. Nếu thảm họa không xảy ra ở thời điểm đó, thì tiểu hành tinh này có thể đụng độ Trái đất vào năm 2300 với xác suất cao hơn, lên đến 1/1750.

Giải mã tiểu hành tinh chứa đầy vàng đang lởn vởn quanh Trái đất - 3

Các nhà khoa học Trung Quốc đang lên ý tưởng dùng 23 tên lửa Trường Chinh 5 để làm chệch hướng Benn

Nhưng không đáng sợ

Theo NASA, nếu va chạm với Trái đất, Bennu có thể tạo giải phóng số năng lượng tương đương 1,1 tỷ tấn TNT và tạo ra một miệng hố khổng lồ rộng khoảng 10-20 km. Tuy nhiên, vụ va chạm chưa đủ mạnh để có thể quét sạch sự sống và quan trọng hơn, xác suất của thảm họa này vẫn rất thấp.

"Chúng ta không nên quá lo lắng về Bennu", Davide Farnocchia - nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất của NASA, phát biểu. "Chúng ta vẫn còn nhiều thời gian và đã nắm rõ hơn đường đi của tiểu hành tinh này. Tôi nghĩ, về tổng thể thì tình hình đang được cải thiện và những rủi ro từ Bennu là rất thấp".

Bên cạnh đó, NASA từ lâu cũng đã có nghiên cứu khả năng phóng tên lửa hoặc các con tàu vũ trụ cảm tử tới các tiểu hành tinh tương tự Bennu để "đánh chặn".

Không chỉ NASA, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang tính toán phương án dùng 23 tên lửa Trường Chinh 5 tấn công đồng thời Bennu, nhằm làm chệch hướng nó khỏi quỹ đạo ban đầu khoảng 9000 km. Theo phía Trung Quốc, kế hoạch của họ chỉ mất 10 năm để thực hiện và sẽ không làm vỡ vụn tiểu hành tinh này, bởi những mảnh vụn ấy có thể gây nguy hiểm cho Trái đất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm