Enzyme ăn nhựa hứa hẹn giải pháp chống lại ô nhiễm môi trường
(Dân trí) - Các nhà khoa học Anh và Mỹ cho biết họ vừa tổng hợp được một loại enzyme ăn nhựa, trong tương lai có thể góp phần tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Enzyme này có khả năng tiêu hóa polyethylene terephthalate, hay còn gọi là PET, một dạng nhựa được sáng chế vào những năm 40 và ngày nay được sử dụng trong hàng triệu tấn chai nhựa. Nhựa PET có thể tồn tại trong môi trường tới hàng trăng năm và hiện nay đang làm ô nhiễm rất nhiều vùng trên đất liền cũng như trên biển.
Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Portsmouth, Anh và Phòng thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng tái tạo, Bộ Năng lượng Mỹ, đã phát hiện ra điều này trong khi nghiên cứu cấu trúc của một loại enzyme tự nhiên được cho là lấy từ một trung tâm tái chế rác ở Nhật Bản.
Giáo sư John McGeehan thuộc Trường đại học Portsmouth và là người đồng chủ trì công trình này cho biết khi phát hiện ra enzyme này giúp cho một loại vi khuẩn phá vỡ, hay là tiêu hóa nhựa PET, các nhà nghiên cứu quyết định “chỉnh sửa” cấu trúc của nó bằng cách bổ sung một số a-xít a-min (amino acid) khiến cho hoạt động của enzyme này thay đổi bất ngờ một cách tích cực, đó là làm cho nó có khả năng ăn nhựa nhanh hơn rất nhiều. “Chúng tôi đã tạo ra phiên bản mới của enzyme này tốt hơn so với phiên bản tự nhiên của nó. Đây là điều đáng mừng bởi vì như vậy có nghĩa là enzyme này còn có thể được tối ưu hóa trong tương lai.”
Phát hiện này đã được công bố hôm thứ Hai vừa qua (16/4/2018) trong kỷ yếu của tạp chí Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục cải tiến enzyme này xem có thể dùng nó để xử lý nhựa PET ở qui mô công nghiệp hay không. Giáo sư GcGeehan rất lạc quan về khả năng xử lý nhựa PET công nghiệp và các loại nhựa khác trở về cấu trúc nguyên thủy của chúng để có thể tái chế bền vững.
Các nhà khoa học không tham gia trực tiếp vào nghiên cứu này nhận định phát hiện này rất đáng chú ý, nhưng họ cũng có ý kiến cẩn trọng rằng sự phát triển của enzyme này để áp dụng cho giải pháp chống lại ô nhiễm thì vẫn còn cần rất nhiều thời gian.
Theo chuyên gia hóc học Oliver Jones, thuộc Trường đại học Melbourne thì “Các enzyme không độc, có thể phân hủy sinh học và được tạo ra với số lượng lớn bởi các vi sinh vật. Rất có tiềm năng sử dụng công nghệ enzyme để xử lý vấn đề rác thải ngày càng nhiều bằng cách phân hủy các đồ dùng thông thường bằng nhựa.”
Còn Giáo sư Douglas Kell, nhà khoa học trong lĩnh vực phân tích sinh hóa, thuộc Trường đại học Manchester, nói rằng “vẫn cần có nhiều các công trình tiếp theo để cải tiến enzyme này. Tiến bộ này trong khoa học giúp chúng ta tới gần hơn với đích tái chế bền vững được các loại nhựa.”
Phạm Hường (Theo RT)