Dùng tế bào nấm điều khiển robot

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã thành công sử dụng hoạt động điện sinh lý của nấm để điều khiển chuyển động thiết bị cơ học.

Video: Robot được điều khiển bởi tế bào nấm (Nguồn: Science Robotics).

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trao cơ hội điều khiển cho loài nấm? Câu trả lời có thể sẽ khiến bạn bất ngờ, khi chúng thậm chí có thể điều khiển một robot hoạt động trên mặt phẳng.

Trong một thí nghiệm trên loài nấm ăn được, mang tên Pleurotus eryngii (còn gọi là nấm đùi gà), các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) và Đại học Florence (Ý) đã thành công biến đổi hoạt động điện sinh lý của nấm thành tín hiệu điều khiển chuyển động thiết bị cơ học.

Để làm điều này, họ áp dụng các thuật toán dựa trên điện sinh lý ngoại bào của sợi nấm, rồi đưa dữ liệu đầu ra vào một bộ vi xử lý.

Sau đó, họ sử dụng các đột biến xảy ra ở tế bào nấm khi tiếp xúc tia UV, để chuyển đổi thành phản ứng cơ học.

Họ truyền dẫn các tín hiệu này vào một robot với 5 chi tách biệt. Điều kinh ngạc đã xảy ra khi con robot bắt đầu di chuyển và "nhảy múa" trên mặt bàn.

Điều này chứng tỏ khả năng khai thác chức năng cảm nhận của hệ thống đã đạt được mục tiêu cuối cùng, khi "xung lực" tự nhiên do nấm sản sinh được chuyển hóa thành chuyển động cơ học.

Dùng tế bào nấm điều khiển robot  - 1

Nấm Pleurotus eryngii có thể điều khiển một robot hoạt động trên mặt phẳng (Ảnh: Getty).

Dự án này không chỉ đơn thuần là điều khiển một con robot", Anand Mishra, chuyên gia nghiên cứu sinh học người máy, nhấn mạnh.

"Đó là bởi nó liên quan đến việc tạo ra kết nối thực sự với hệ thống còn "sống". Bạn nghe thấy tín hiệu, hiểu được điều gì đang diễn ra".

Có thể thấy rằng mặc dù chuyển động của robot còn khá vụng về, nhưng đây có thể chỉ là bước đầu trong việc mở ra các thiết lập cơ học phức tạp hơn dựa trên tế bào sống.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có thể tận dụng sợi dây liên kết này để giải mã những bài toán về biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường, và đánh giá khả năng thích nghi của các sinh vật sống dựa trên những gì chúng "nói".

Theo www.science.org