1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Động vật có cười không?

Trang Phạm

(Dân trí) - Âm thanh động vật phát ra trong khi chơi là một điểm tương đồng gần với tiếng cười của con người.

Động vật có cười không? - 1

Cười cùng nhau là một cách quan trọng để mọi người kết nối và gắn bó. Mặc dù nguyên nhân gây ra tiếng cười có thể rất khác nhau giữa các cá nhân và nhóm, Âm thanh của một tiếng cười thường có thể nhận biết được giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau.

Nhưng những động vật khác ngoài con người thì sao? Chúng có "cười" không và nguyên nhân gây ra tiếng cười có giống với nguyên nhân gây ra tiếng cười của con người không?

Ở con người, tiếng cười có thể thể hiện nhiều loại cảm xúc, từ cảm xúc tích cực như thích thú đến cảm xúc tiêu cực như ghê tởm. Con người cũng cười khi họ nghe một câu chuyện cười, hoặc khi họ nhìn thấy điều gì đó mà họ cho là buồn cười.

Tuy nhiên, nhiều loài động vật tạo ra âm thanh trong quá trình chơi đùa, đặc trưng cho sự tương tác xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng những âm thanh như vậy gần giống với tiếng cười của con người.

Gần đây, các nhà khoa học đã điều tra về cách phát ra âm thanh để xem mức độ phổ biến của nó giữa các loài động vật.

Nhóm nghiên cứu xác định được 65 loài động vật đã "cười" khi chơi đùa. Hầu hết là động vật có vú, nhưng một số loài chim cũng thể hiện tiếng "cười" vui vẻ. Phân tích mới này được cho có thể giúp các nhà khoa học lần ra nguồn gốc tiến hóa của tiếng cười ở con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết một số kiểu hành vi chơi đùa trông giống như đánh nhau, động vật có thể kêu hoặc cười trong khi chơi để giữ cho các tương tác không leo thang và trở nên hung hăng hoặc có hại.

Theo tác giả chính của nghiên cứu Sasha Winkler đến từ Đại học California, Los Angeles, không giống như đánh nhau, chơi thường lặp đi lặp lại và diễn ra độc lập với các hành vi xã hội khác, chẳng hạn như giao phối hoặc tìm kiếm thức ăn.

Khi Winkler trước đây nghiên cứu loài khỉ vàng (Macaca mulatta), cô đã nhận thấy rằng những con khỉ thở hổn hển trong khi chơi. Nhiều loài linh trưởng khác cũng phát ra tiếng kêu khi chơi đùa như vậy.

Winkler và đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Greg Bryant đặt dấu hỏi liệu tiếng cười của động vật có phổ biến hơn nữa hay không. Để tìm câu trả lời, họ đã xem xét hàng chục nghiên cứu trước đó để tìm kiếm những đề cập có liên quan đến việc loài động vật phát tín hiệu như tiếng thở hổn hển của khỉ vàng trong khi chơi.

Động vật có cười không? - 2

Cuộc điều tra của họ đã đưa ra hàng chục ví dụ với các báo cáo về tín hiệu phát âm thanh xuyên suốt các tài liệu về động vật có vú, đặc biệt là ở các loài linh trưởng, loài gặm nhấm, động vật ăn thịt và động vật biển có vú.

Nhiều âm thanh trong số này chỉ xuất hiện khi chơi đùa, chẳng hạn như tiếng kêu của khỉ vervet (Chlorocebus aethiops), tiếng kêu siêu âm của chuột nâu (Rattus norvegicus), tiếng còi và tiếng kêu của cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) và tiếng của một con khỉ sóc (Saimiri sciureus).

Theo nghiên cứu, hầu hết các loài linh trưởng, bao gồm tinh tinh, khỉ đột, khỉ đầu chó, đều thể hiện tiếng cười vui nhộn từ thở hổn hển, nhếch môi và càu nhàu cho đến kêu cạch cạch, lạch cạch và kêu gào.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù hầu hết các loài động vật cười là động vật có vú, hai loài chim như chim ác là Úc (Gymnorhina tibicen) và vẹt kea (Nestor notabilis) cũng kêu lên khi chơi đùa.

Trong một nghiên cứu năm 2017 về vẹt kea sống ở New Zealand, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nếu họ ghi lại tiếng cười vui vẻ của những con vẹt kea và phát nó qua loa, các con vẹt kea khác sẽ tự phát bắt đầu chơi. Nghiên cứu đó đã chứng minh tiếng cười của kea hoạt động như một lời mời gọi các con vẹt kea khác.

Tuy nhiên, các báo cáo về tiếng cười đặc biệt của một số loài động vật không có các mô tả liên quan đến cá, động vật lưỡng cư và bò sát.

Con người vẫn cười trong khi chơi, nhưng chúng ta cũng đưa tiếng cười vào ngôn ngữ và các hành vi khác, sử dụng tiếng cười theo nhiều cách khác nhau để truyền tải một loạt cảm xúc có thể tích cực hoặc tiêu cực.

Tiếng cười của con người đặc biệt khác với tiếng cười của các loài động vật khác ở một khía cạnh quan trọng khác đó là âm lượng của nó. Mọi người phát ra tiếng cười lớn của họ, thường là một cách để thiết lập sự hòa nhập vào một nhóm. Để so sánh, khi hầu hết các loài động vật cười, âm thanh rất chỉ đủ lớn để đối tác của con đang cười nghe thấy.

"Thật sự rất thú vị khi rất nhiều loài động vật có chức năng phát âm tương tự khi chơi đùa. Nhưng tiếng cười con người cũng là một lĩnh vực quan trọng cho nghiên cứu trong tương lai", Winkler nhấn mạnh.