Dự đoán thiên tài của Einstein về "siêu giác quan" của động vật
(Dân trí) - Bức thư mới được công bố cho thấy ngay cả khi nói đến các lĩnh vực khoa học bên ngoài chuyên môn của mình, Einstein vẫn thể hiện được mình là một người có bộ não siêu việt.
Mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy một bức thư bị thất lạc, do nhà vật lý học Einstein viết năm 1949 để trả lời kỹ sư Glyn Davys, người bày tỏ sự quan tâm đến các nghiên cứu sinh học.
Nội dung bức thư cho thấy Einstein rõ ràng là rất hứng thú với chủ đề một số loài động vật có thể nhận biết từ trường và sử dụng thông tin đó để điều hướng.
Cụ thể, Einstein đã phán đoán gần như chính xác về cách mà loài chim có thể cảm nhận từ trường Trái đất, từ đó cho phép chúng di chuyển hàng nghìn km mà không bị lạc đường.
Ông viết: "Chúng ta chưa thể lý giải một cách hợp lý rằng việc nghiên cứu hành vi của các loài chim di cư và bồ câu đưa thư. Một ngày nào đó, điều này có thể dẫn đến những kiến thức về một số hiện tượng vật lý chưa từng được biết đến".
Cần phải nói thêm rằng lúc bấy giờ, khái niệm được Einstein nhắc tới về "siêu giác quan" của động vật là điều chưa được khoa học chứng minh.
Trên thực tế, phải gần 70 năm sau bức thư kể trên, các nhà khoa học mới tìm được bằng chứng cho thấy loài chim có thể cảm nhận từ trường Trái Đất bằng các cơ quan cảm thụ đặc biệt trong mắt, nhạy cảm với sự thay đổi của từ trường.
Bên cạnh đó, nhà vật lý lỗi lạc được cho là đã có một số manh mối khi đưa ra dự đoán trên. Tại thời điểm bức thư được viết, khoa học sinh học và khoa học vật lý trên thế giới đang có những bước nghiên cứu liên quan mật thiết đến nhau.
Cụ thể như khi nghiên cứu cho phép xác định vị trí loài dơi bằng tiếng vang vừa được giới thiệu, thì công nghệ định vị bằng radar cũng đang trong giai đoạn phát triển.
Điều thú vị là không chỉ có chim, mà một số loài động vật, côn trùng khác cũng có khả năng tương tự, có điều chúng không dùng mắt để làm điều này. Thí dụ như ong có thể cảm nhận được từ trường bằng bụng của chúng, trong khi các loài chó dường như làm như vậy chủ yếu thông qua các cơ quan cảm thụ ánh sáng đặc biệt trong mắt được gọi là cryptochromes.
Thậm chí ngay cả tế bào con người cũng có thể tạo ra cryptochrome. Một số nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể phản ứng linh hoạt với sự thay đổi của từ trường Trái đất, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thấy rõ khả năng đặc biệt này.
Trong bức thư, Einstein cũng đưa ra "lời gợi ý" về loài ong. Ông viết: "Nếu con người đang đi tìm câu trả lời về các quá trình sinh học, và nếu có một thứ gì đó tương tự, nó chắc chắn sẽ liên quan đến loài ong".
Đúng như Einstein dự đoán, kiến thức đó đã giúp con người cải tiến rất nhiều công nghệ, chẳng hạn như cảm biến camera trên smartphone có thể cho ra các bức ảnh chân thực hơn nhờ nghiên cứu thị giác của loài ong.