1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Độc đáo với ý tưởng máy “biến” bão thành năng lượng của hai học sinh nhí

(Dân trí) - Gió, mưa, sấm chớp từ cơn bão sau khi được thu vào máy xử trong lòng đất của học sinh Ninh Bình sẽ biến thành điện năng. Ý tưởng chiếc máy đặc biệt này không chỉ làm giảm thiệt hại của bão mà còn biến chúng thành nguồn năng lượng vô giá cho con người.

Ý tưởng sáng tạo ra chiếc máy đặc biệt trên là của em Đinh Thị Nguyệt Minh và Đinh Quỳnh Ngân, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình.

Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân đã vượt qua nhiều ý tưởng của hàng nghìn học sinh tiểu học trên khắp cả nước, giành giải Nhất khối 4 – 5 tại Cuộc thi ý tưởng trẻ thơ năm 2016.

Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân là đôi bạn cùng lớp, cùng đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân là đôi bạn cùng lớp, cùng đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Chúng tôi có dịp gặp gỡ và chia sẻ cùng hai cô gái đặc biệt này ngay tại ngôi trường nơi các em đang học tập. Cả hai nữ sinh này đều có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất thông minh và nhanh nhẹn.

Cô Bùi Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm hai em chia sẻ, Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân là đôi bạn cùng tiến trong lớp, hai em học đều tất cả các môn. Đặc biệt là có chung cùng sở thích sáng tạo khoa học. Nhà trường phát động bất cứ cuộc thi nào, Minh và Ngân đều hăng hái tham gia.

“Cuộc thi ý tưởng trẻ thơ lần này, cả hai em đều có chung ý tưởng về chiếc máy thu và xử lý bão. Biết được ý tưởng của các em, nhà trường rất ủng hộ vì đây là chiếc máy chưa ai nghĩ để làm ra. Ý tưởng của hai em may mắn được chọn vào vòng triển khai mô hình, sau đó lọt vào vòng thuyết trình và giành giải nhất của cuộc thi”, cô Phương tự hào về học sinh của mình.

Từ ý tưởng đến việc triển khai làm ra mô hình của chiếc máy là cả một vấn đề lớn đối với hai nữ sinh tiểu học này. Quỳnh Ngân chia sẻ: “Khi thực hiện làm mô hình chúng em phải tự mày mò suy nghĩ, vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần. Ngoài thực hiện theo ý tưởng thì còn phải làm chiếc máy đúng kích cỡ, hoạt động mô hình được theo quy định của ban tổ chức”.

Nguyệt Minh tiếp lời bạn; “Chúng em mới học đến lớp 4 nên chỉ biết vẽ, chưa từng làm mô hình bao giờ. Để thực hiện được mô hình là rất khó vì chúng em chưa từng học về nguồn điện, các chi tiết máy cũng rất phức tạp, phải gắn kết chắc chắn với nhau thành cỗ máy liên hoàn. May mắn có được sự giúp đỡ từ mọi người”.


Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của em Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân.

Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của em Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân.

Các bộ phận máy đều làm từ đồ phế thải.
Các bộ phận máy đều làm từ đồ phế thải.

Nhiều ngày suy nghĩ, mày mò sáng tạo, cùng với sự chia sẻ của bố em Nguyệt Minh (là bộ đội) về câu chuyện chiếc bếp Hoàng Cầm. Bên cạnh đó là sự giúp sức của thầy giáo Phạm Sơn Thu dạy mỹ thuật, cuối cùng mô hình máy thu và xử lý bão của hai nữ sinh cũng hoàn thiện ngoài mong đợi.

Mô hình máy được làm hoàn toàn bằng những nguyên vật liệu rẻ tiền và những đồ phế thải như: ống nước cũ, hộp đựng đồ cũ, màu vẽ, giấy, quạt tự chế… tất cả kinh phí chưa đến một triệu đồng. Hai em phải làm mất hơn 1 tháng mới xong được máy.

Thầy Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú tâm sự: “Ý tưởng của em Quỳnh Ngân và Nguyệt Minh là vô cùng độc đáo, hiện nay chưa từng có chiếc máy nào như vậy. Khi mô hình máy hình thành, các thầy cô trong trường ai cũng bất ngờ và thán phục hai em”.

Lý giải về nguyên lý hoạt động của máy thu và xử lý bão, Quỳnh Ngân cho hay, máy có hai phần chính là bộ phận đặt trong lòng đất thu - xử lý gió bão và bộ phận đặt trên mặt đất để thu sấm chớp.


Để có được mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất, hai nữ sinh có sự giúp đỡ rất lớn từ thầy giáo dạy mỹ thuật

Để có được mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất, hai nữ sinh có sự giúp đỡ rất lớn từ thầy giáo dạy mỹ thuật

“Khi có cơn bão đến, gió bão sẽ được các quạt của máy thu vào bên trong bình chứa (nén áp suất). Từ đây gió được chuyển đến một bộ phận làm quay tua-bin phát ra điện, điện sẽ được tích ở bộ phận nguồn sau đó truyền tải đến cho người dân sử dụng. Lượng gió dư thừa sẽ theo các ống dẫn và thoát ra trên mặt đất theo kiểm soát của van tự động. Việc thu và xử lý nước cũng tương tự.

Còn bộ phận thu sấm chớp cũng sẽ thực hiện thu sấm chớp thông qua các cột đặt trên mặt đất, sau đó cũng làm quay tua-bin biến chúng thành điện năng”, em Ngân nói.

Em Nguyệt Minh chia sẻ thêm: “Máy sẽ được lắp đặt ở khu vực bờ biển, vì đây là vị trí bão thường đổ bộ vào đất liền đầu tiên. Khi bão qua đây sẽ bị máy thu và xử lý làm suy giảm sức gió, tránh được sự tàn phá cho con người và nhà cửa. Đây cũng là mong muốn lớn nhất của chúng em khi làm chiếc máy này”.

Giành giải nhất của cuộc thi, Nguyệt Minh và Quỳnh Ngân được nhận số tiền thưởng là 20 triệu đồng. Hai em đã cùng trích một phần tiền liên hoan với các bạn trong lớp và mua sách vở tặng các bạn học sinh khó khăn.

Thầy giáo Phạm Sơn Thu "phác" lại ý tưởng của hai học sinh nhí

Thái Bá