1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Điều gì xảy ra khi chim cánh cụt tự nhìn vào gương?

Minh Khôi

(Dân trí) - Thử nghiệm đánh giá chim cánh cụt Adelie có khả năng tự nhận thức cao, thậm chí tốt hơn cả một số loài động vật bậc cao, gồm khỉ hay con người.

Điều gì xảy ra khi chim cánh cụt tự nhìn vào gương? - 1

Chim cánh cụt Adelie vượt qua bài kiểm tra gương (Ảnh: Dastidar).

Chim cánh cụt Adelie (Pygoscelis adeliae) là loài mới nhất vừa được các nhà khoa học đưa vào để thử nghiệm với "bài kiểm tra gương".

Kết quả thật bất ngờ, khi những chú chim cánh cụt thể hiện một số cử chỉ giao tiếp đặc biệt, giống như chúng biết được rằng hình ảnh trong gương chỉ là ảo ảnh, chứ không phải là đồng loại.

"Những đối tượng chim cánh cụt được thử nghiệm đều tập trung vào hình ảnh của chúng, và thực hiện một số cử chỉ đặc biệt", báo cáo cho biết.

Prabir G. Dastidar, nhà khoa học người Ấn Độ, đồng thời là chủ nhiệm của nghiên cứu cho biết chim cánh cụt là loài động vật có tính xã hội cao.

Tuy nhiên, chúng không hề cố gắng tiếp xúc hoặc thể hiện bất kỳ hành vi gây hấn nào đối với hình ảnh phản chiếu ở trong gương.

Điều này cho thấy có lẽ chúng "biết" ở một mức độ nào đó con chim trong gương không phải là bạn cũng không phải kẻ thù.

Tuy nhiên, khi chúng được "đánh dấu" bằng một chiếc yếm màu đỏ, những con chim cánh cụt không có phản ứng với sự thay đổi về ngoại hình của chúng.

"Thử nghiệm của chúng tôi đánh giá sơ bộ rằng chim cánh cụt Adelie có khả năng tự nhận thức", Dastidar cho biết. "Điều đó thể hiện qua phản ứng của chúng đối với hình ảnh của bản thân ở trong gương".

Điều gì xảy ra khi chim cánh cụt tự nhìn vào gương? - 2

Chim cánh cụt Adelie (Ảnh: eBird).

Chim cánh cụt Adelie phân bổ dọc theo toàn bộ bờ biển Nam Cực, với khoảng 38 quần thể và hơn 5 triệu cá thể được ghi nhận đang sinh sống ở đảo Ross.

Chúng có kích thước nhỏ hơn một chút với các loài chim cánh cụt khác, điển hình như chim cánh cụt hoàng đế.

Đặc điểm khác biệt rõ nhất ở loài này là vòng màu trắng xung quanh mắt và lông ở gốc mỏ. Ngoài ra, chúng cũng có đuôi dài hơn các loài chim cánh cụt khác.

Chim cánh cụt Adelie được đánh giá là có tính xã hội rất cao. Chúng thường xuyên tìm thức ăn và làm tổ cùng nhau.

Được tạo ra vào những năm 1970 bởi Gordon Gallup, bài kiểm tra gương đã trở thành một thí nghiệm quen thuộc để chứng minh khả năng tự nhận thức ở động vật.

Cách này bao gồm việc đặt tấm gương ở phía trước một con vật, rồi theo dõi xem phản xạ của chúng với hình chiếu thế nào.

Ứng với mỗi loài động vật khác nhau, sẽ có cách phản ứng với hình ảnh phản chiếu của chúng theo cách khác nhau. Từ đó, các nhà khoa học sẽ có thể xác định xem chúng có nhận biết đó là bản thân hay không.

Nhiều loài động vật được biết là có tính xã hội cao đã thất bại trước bài kiểm tra này, bao gồm cả khỉ, khỉ đột.

Không chỉ vậy, ngay cả con người cũng gặp tình trạng tương tự. Một thử nghiệm cho thấy trẻ dưới 6 tuổi có thể không vượt qua được bài kiểm tra gương.