Điều gì đã xảy ra vào năm 1816 khi Trái đất "không có mùa hè"?
(Dân trí) - Năm 1816, nhân loại từng trải qua một thời kỳ đen tối do tác hại của môi trường dẫn tới hàng chục ngàn người chết.
Hơn 200 năm trước, hòn đảo Sumbawa ở Indonesia từng phải hứng chịu một vụ nổ khủng khiếp. Núi Tambora - ngọn núi cao nhất đảo, đã phát nổ với sức công phá khoảng 1.000 triệu tấn TNT, theo Live Science.
Đây là vụ nổ núi lửa lớn nhất lịch sử, theo NASA, khiến khoảng 10.000 người chết trực tiếp bởi sức mạnh tàn phá của nó.
Ngoài ra, khói bụi từ vụ phun trào gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, tạo nên "Năm Không Có Mùa Hè" (1816), phá hủy mùa màng và khiến khoảng 70.000 nghìn người khác thiệt mạng trên toàn thế giới.
Vụ nổ khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người
Ngày 10/4/1815, núi Tambora đột nhiên phát nổ, phun ra dung nham nóng chảy, khói bụi dày đặc và các hòn đá có đường kính lên đến 20cm.
Theo Listverse, vụ nổ Tambora mạnh gấp 14 lần so với vụ nổ bom Sa Hoàng - vũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được phát nổ bởi Liên Xô năm 1961.
Theo chỉ số nổ núi lửa, vụ nổ Tambora được xác định nằm ở thang 7, nghĩa là cực kỳ nguy hiểm. Ước tính đã có hơn 140 tỷ tấn mắc ma được phun ra từ thảm họa tự nhiên này.
Vụ nổ đã gây ra sóng thần với chiều cao trung bình từ 4-5m, gây thiệt hại trên một vùng đất đai rộng lớn. Toàn bộ làng Tambora bị xóa sổ do hàng loạt nguyên nhân như từ dung nham nóng chảy, sóng thần, lốc xoáy xảy ra sau vụ nổ.
Vụ nổ cũng khiến một cột khói khổng lồ chứa hàng tấn tro bụi và khí SO2 (sulphur dioxide) bốc lên cao tới 43km, chạm tới tầng bình lưu. Theo NASA, khói bụi từ vụ nổ bay xa ít nhất 1.300 km về phía Tây Bắc.
"Năm Không Có Mùa Hè"
Ảnh hưởng được xem là chết chóc nhất của vụ phun trào núi lửa Tambora lại không phải những thứ xảy ra trong năm đó, mà là hiện tượng giảm nhiệt trên toàn cầu vào năm kế tiếp.
Đây là hiện tượng tự nhiên được các nhà sử học gọi là "Năm Không Có Mùa Hè" mỗi khi họ đề cập tới.
Theo đó, tro bụi của núi lửa đã bao phủ một vùng rộng lớn đất đai, phá hủy cây trồng, giết chết vật nuôi và làm ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ thế, lớp tro dày còn che Mặt Trời, khiến mùa hè biến mất.
Năm 1920, nhà khí hậu học người Mỹ William J Humphreys lần đầu tiên đưa ra lời giải thích chi tiết cho hiện tượng này. Ông cho rằng vụ phun trào đã thổi tro bụi vào tầng bình lưu.
Sau đó, gió đã góp phần thổi tung tro bụi ra toàn thế giới. Đám mây bụi này tạo ra một mặt phẳng, có tác dụng phản chiếu lại nhiệt lượng từ Mặt Trời. Bằng chứng là tuyết màu nâu đỏ đã rơi ở Hungary và Italy, được cho là do tro núi lửa lẫn trong khí quyển.
Thảm kịch được ghi nhận đã xảy ra bắt đầu vào cuối năm 1815, đầu năm 1816, khi mùa xuân không đến, mùa đông kéo dài khiến nhiệt độ xuống thấp.
Có tài liệu ghi lại rằng thời điểm này lạnh đến mức chim chết ngay khi đang bay, có thể do nhiễm lạnh hoặc chết vì đói.
Đến tận tháng 5/1816, nhiều khu vực trên thế giới vẫn còn băng giá thậm chí tới tận tháng 6 và tháng 7, băng tuyết vẫn rơi tại Appalachian và New England (Mỹ).
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến năng suất cây trồng nhiều nơi giảm tới 90%, giá các mặt hàng thiết yếu tăng chóng mặt ở cả Mỹ và khắp châu Âu tới tận năm 1817, 1818. Năm 1816 đã trở thành "Năm đói nghèo" của Mỹ.
Còn tại Trung Quốc, gió mùa đến quá mạnh, gây lũ lụt trầm trọng.
Ở Ấn Độ, những cơn gió ẩm không xuất hiện, gây hạn hán trầm trọng, rồi kế đến là lũ lụt, khiến dịch bệnh lan truyền, vi khuẩn tả đột biến thành dạng khác, có khả năng thích nghi cao hơn. Sự kiện này chính là nguyên nhân mà khuẩn tả có thể đe dọa loài người đến tận ngày hôm nay.
Tại Bắc Cực, nhiệt độ bất ngờ lại ấm lên, khiến băng giá tại đây tan chảy, tạo thành lối thông Tây Bắc (Northwest Passage) giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Để lại hậu quả nặng nề, song vụ phun trào của núi lửa Tambora cũng góp phần tạo nên những dấu ấn trong khoa học và nghệ thuật.
Theo đó, giới khoa học cho rằng đám mây bụi từ núi lửa Tambora là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của nhiều bức tranh tả cảnh hoàng hôn khá lạ lùng của Joseph Mallord William Turner (1775-1851), một danh họa nổi tiếng người Anh.
Tại châu Âu, giá yến mạch - được dùng làm thức ăn cho ngựa đã tăng vọt khiến nhà phát minh người Đức Karl Drais tạo ra một dạng phương tiện giao thông không cần sức ngựa, là xe đẩy chân. Đây là phát minh được coi là "tổ tiên" của xe đạp ngày nay.