1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?

(Dân trí) - Bất chấp nỗ lực của toàn thế giới trong việc ngăn chặn virus corona mới, các điểm nóng vẫn tiếp tục xuất hiện và số người bệnh vẫn trên đà tăng lên.

Dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào? - 1

Một phụ nữ với chiếc khẩu trang ở sân bay. (Ảnh: © Shutterstock)

Mới chỉ hai tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc, đến nay virus corona mới đã vượt ra khỏi biên giới nhiều nước làm 82.500 người nhiễm và 2.810 người thiệt mạng. Nhưng cũng như những đợt bùng phát trước, đại họa lần này rồi sẽ qua đi.

Vậy nó sẽ qua đi như thế nào? Các chuyên gia cho rằng khả năng thứ nhất là các trường hợp mắc bệnh sẽ bắt đầu giảm khi có đủ số người phát triển được hệ miễn dịch của mình bằng 1 trong 2 cách: tự miễn dịch sau khi nhiễm virus hoặc nhờ sử dụng vắc xin. Khả năng thứ hai là virus sẽ tiếp tục lây lan và trở thành một virus đường hô hấp thông thường.

Khả năng kiểm soát dịch

Các chuyên gia cho rằng tại thời điểm này khó có thể nói tình hình sẽ được kiểm soát ở một số nơi. Giáo sư dự khuyết ngành dịch tễ học Aubree Gordon của Trường đại học Michigan, Mỹ, nhận định virus chắc chắn sẽ còn lan rộng ra thế giới, hiện giờ chúng ta vẫn còn có cơ hội ngăn chặn nhưng cơ hội này sắp sửa đóng lại.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), đợt bùng phát này đạt 2 tiêu chí của đại dịch, 1 là virus có thể lây sang người và gây bệnh và 2 là nó có thể lây truyền rất dễ từ người sang người. Và vì virus bắt đầu lây đến nhiều cộng đồng ở nhiều nước, nó sắp sửa đạt tiêu chí thứ 3, đó là lây lan khắp thế giới.

Khoảng 95% các ca Covid-19 là ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, những điểm nóng đang nổi lên ở một số nước khác, trong đó có Hàn Quốc, Iran, Italy, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Nhật Bản. Ngày 26/2, CDC xác nhận ca đầu tiên thuộc dạng “lây lan trong cộng đồng” ở Bắc California là một bệnh nhân không có liên quan gì đến những điểm nóng của căn bệnh.

Cách tốt nhất để khống chế hoặc giảm tốc độ lây nhiễm virus là bằng các biện pháp kiểm soát, như là cách li và cấm đi lại. Nhưng khống chế sự lây lan của virus là vô cùng khó, hầu hết các ca Covid-19 không nghiêm trọng và rất khó xác định chính xác người đó có bị nhiễm hay không, ngoài ra thời gian ủ bệnh cũng rất dài.

Hơn nữa, mọi nỗ lực khống chế lây lan đều dựa vào những gì chúng ta biết được về virus mà chúng ta mới chỉ biết rất ít về nó. Thời gian cách ly thông thường là 14 ngày dựa vào những nghiên cứu trước đây cho thấy đây là thời gian ủ bệnh tối đa, nhưng đã có một số bằng chứng cho thấy thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn thế.

Một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra nữa là virus corona mới bắt đầu lây lan thậm chí còn trước khi chúng ta biết về nó. Bác sĩ Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng thời là học giả cấp cao của Trung tâm An toàn sức khỏe John Hopkins, Mỹ, cho rằng đây đã là một đại dịch rồi và ông tin rằng đã có các ca bệnh ở Mỹ và nhiều nơi khác chưa được nhận biết, đặc biệt là vì số đông các trường hợp đều có biểu hiện nhẹ và khó phân biệt với các biểu hiện của cảm lạnh thông thường.

Giảm dần rồi chấm dứt một cách tự nhiên

Đại dịch chấm dứt khi virus không có đủ người truyền bệnh. Trong thảm họa đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, 500 triệu người trên khắp thế giới đã nhiễm bệnh, nhiều trong số họ là quân nhân sống tập trung trong các doanh trại trong thời gian Chiến tranh thế giới I. Khi chiến tranh kết thúc và quân nhân xuất ngũ, các cộng đồng tập trung giải tán thì mức độ lây lan giảm xuống. Cuối cùng căn bệnh cũng chấm dứt, một phần là do những người qua khỏi đã có miễn dịch và virus không dễ lây từ người sang người như khi đại dịch bắt đầu.

Nếu một người có nguy cơ tiếp xúc với virus nhưng người đó không dễ bị nhiễm thì chuỗi lây nhiễm bị cắt đứt. Nếu một người truyền virus cho 2 người, rồi 2 người này lại lây cho 4 người rồi cứ thế, thì cuối cùng virus sẽ hết người để lây, và như vậy chuỗi lây truyền bị chặn đứng. 

Nếu virus corona mới cũng giống như các chủng virus cúm thông thường thì cũng có một cơ hội là thời tiết ấm lên sẽ làm virus ngừng lây lan, rồi nó sẽ quay trở lại vào mùa thu và đông.

Tuy vậy, Bác sĩ Nancy Messonnier, Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm và hô hấp của CDC cho rằng giả định đó là quá sơ sài.

Về lý thuyết, các điều kiện môi trường có thể ảnh hưởng đến sự lây truyền virus và chính vì thế một số virus chỉ xuất hiện theo mùa.Tuy nhiên chưa thể khẳng định được vì các chủng virus như là influenza cũng đã gây bệnh nghiêm trọng ở những vùng nhiệt đới thường có nhiệt độ cao.

Một khả năng khác là virus corona mới sẽ đột biến theo cách có lợi cho chúng ta, tức là nó sẽ khó lây sang người hơn. Năm 2002, chủng virus corona tương tự đã xuất hiện ở người ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và gây ra đợt bùng phát SARS.

SARS sau đó đã lan sang 26 nước, trong đó có Canada làm người ta lo sợ bệnh dịch này sẽ lan tràn khắp Bắc Mỹ. Nhưng cuối cùng nó đã chấm dứt, một phần là nhờ công tác kiểm soát sức khỏe cộng động đã được thực hiện tốt, một phần vì SARS đột biến tùy tiện, nó trở nên ác tính hơn nhưng cũng khó lây từ người sang người hơn.

Vắc xin phòng chống

Ngành y tế không ngồi im chờ virus thay đổi mà trên khắp thế giới, các chuyên gia đang chạy đua để tìm ra vắc xin và cách điều trị Covid-19. Vì virus đã lây từ người sang người nên cách duy nhất để phòng chống chính là vắc xin, bác sĩ Adalja nhận định.

Gần đây, một nhóm nghiên cứu đã lập được bản đồ protein dằm của virus corona mới, tức là biết được cách virus xâm nhập vào tế bào người. Đây là một kết quả quan trọng mở đường cho việc tìm ra vắc xin dựa trên nguyên tắc biết được cách virus xâm nhập thì mới tìm ra được cách chống lại nó.

Nhưng vấn đề với vắc xin là để qua thời gian thử nghiệm trên người và được chính thức đưa vào sử dụng lại phát mất rất nhiều thời gian, có khi đến cả năm, vì thế vắc xin không có ích gì với tình trạng lây lan chóng mặt hiện nay.

Theo các chuyên gia, có lẽ mất 18-24 tháng nữa mới có vắc xin để sử dụng. Nhưng việc vắc xin vẫn tiếp tục được phát triển có nghĩa là các chuyên gia đánh giá virus mới này sẽ không sớm biến mất. Nếu giới chức y tế nhìn nhận Covid-19 sẽ sớm qua đi thì việc tìm ra vắc xin sẽ chẳng có mấy ý nghĩa, vì thế khả năng là nó sẽ còn tiếp tục hoành hành. 

Virus dai dẳng

Bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường đại học Vanderbilt, Tennessee, Mỹ, cho rằng khả năng nhiều là virus này sẽ không biến mất hoàn toàn. Tổ chức Y tế thế giới cũng nhận định sự chấm dứt một căn bệnh rất khó và rất hiếm xảy ra. Để được như thế, phải có gì đó cắt đứt được dây chuyền lây lan, phải có các công cụ chẩn đoán để xác định được các ca có thể gây ra sự lây lan và con người phải là nguồn chứa virus duy nhất.

Ngay cả nếu virus corona bị tiêu diệt, không còn trong cơ thể người, và nếu virus vẫn tiếp tục tồn tại trong môi trường tự nhiên, trong các cơ thể động vật thì những nguồn chứa này có thể mang virus quay trở lại vòng tuần hoàn. Nếu virus chỉ có 1 chu trình hoạt động và chúng ta chặn được, virus sẽ không đột biến nữa và bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khả năng nhiều là chúng ta không thể loại bỏ nó hoàn toàn. 

Thậm chí nếu chúng ta kiểm soát, ngăn chặn được virus nay thì vẫn có 1 cơ hội nó có thể biến thành căn bệnh theo mùa và quay lại mỗi năm giống như nhiều căn bệnh theo mùa khác như là cảm lạnh hay cúm. Nếu điều này xảy ra thì lại có cơ hội là nó sẽ không gây bệnh nặng vì khi nó lặp đi lặp lại thì sẽ có thêm nhiều người tạo ra được miễn dịch. Tuy vậy, gần đây đã có trường hợp ở Trung Quốc được xác nhận khỏi bệnh rồi lại tái nhiễm.

Hệ miễn dịch của chúng ta tạo ra miễn dịch suốt đời với một số loại virus, ví dụ như virus sởi, nếu một người đã từng mắc bệnh sởi hoặc đã được tiêm vắc xin sởi thì sẽ không bị hoặc không bị lại nữa. Nhưng với các chủng virus corona, miễn dịch của chúng ta yếu dần theo thời gian, vì thế có thể bị tái nhiễm.

Mặc dù miễn dịch yếu dần là nguyên nhân chính khiến con người có thể tái nhiễm virus, nhưng cũng có khả năng là do virus đột biến đủ để tấn công hệ miễn dịch. Nhưng hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy virus corona đang đột biến theo cách như vậy. Chuỗi gen của nó gần như trùng khớp ở các lần xét nghiệm.

Rất khó để dự đoán tình hình virus sẽ ra sao

Một số loại virus có quay trở lại, một số khác thì không. Virus SARS có tỉ lệ đột biến khá thấp, vì thế nó đã không quay trở lại. Ngược lại, virus influenza có tỉ lệ đột biến rất cao và vì thế mỗi năm nó đều quay lại. Nếu virus corona mới sẽ đột biến thực sự trong những tháng tới thì vắc xin mà các nhà khoa học tìm ra được lúc này có thể sẽ không phù hợp khi mà virus quay trở lại.

Nhưng ngay cả khi chúng ta không dự đoán được điều gì sẽ xảy ra với virus này, chúng ta vẫn có thể chuẩn bị ứng phó với tình hình khi đó.

Không thể phong tỏa mọi người ở tất cả các nước có người nhiễm bệnh, nhưng mọi người có thể thực hiện các bước để giảm số người nhiễm bệnh tại địa phương mình, như là tầm soát và xét nghiệm chặt chẽ, cách li các trường hợp bệnh và nguy cơ bệnh, tránh tụ tập đông người, thực hiện cách ly một phần ngay tại nhà và tuân thủ các qui tắc vệ sinh cộng đồng và vệ sinh cá nhân.

Phạm Hường 

Theo Live Science

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm