“Đen” và “trắng” có được coi là màu sắc?
(Dân trí) - Để trả lời cho câu hỏi “Đen và trắng có được gọi là màu sắc hay không?”. Chúng ta cần phải hiểu rõ “Màu sắc là gì?”.
Theo cách định nghĩa nghĩa thông thông thường của chúng ta, màu sắc đơn giản là những sắc tố khác nhau mà chúng ta có thể quan sát được, ở thế giới xung quanh. Cũng có thể hiểu đó là tất cả những gì có trong một hộp bút màu mới mua, và cả những sản phẩm được tạo nên bằng cách phối trộn chúng lại với nhau. Xét theo cách hiểu phổ thông này, “đen” và “trắng” hoàn toàn có thể coi là màu sắc.
Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học, màu sắc lại được định nghĩa là các phổ ánh sáng mà con người nhìn thấy được. Cụ thể, các loại ánh sáng này phải có bước sóng nằm trong khoảng 380 nm (màu tím) đến 760 nm (màu đỏ), hình thái trực quan nhất về phổ ánh sáng có thể nhìn thấy này chính là cầu vồng. Trong trường hợp, một loại ánh sáng có bước sóng nằm ngoài khoảng này thì chúng ta hoàn toàn không thể nhìn thấy chúng. Nếu ngắn hơn 380 nm chúng được gọi là tia tử ngoại, còn nếu dài hơn 760 nm thì là tia hồng ngoại.
Được biết, khi ánh sáng chiếu vào một vật bất kỳ, vật đó sẽ phản chiếu lại mắt chúng ta loại ánh sáng có bước sóng tương ứng với màu sáng của nó, đồng thời hấp thụ hết các loại ánh sáng đơn sắc còn lại. Đây chính là nguyên nhân mà chúng ta nhìn thấy chiếc lá màu xanh hay thân cây màu nâu.
Quay trở lại với vấn đề được đặt ra ở đầu bài, theo cách giải thích của giới khoa học, ta nhìn thấy một vật có màu trắng, là do nó có khả năng phản chiếu tất cả các ánh sáng đơn sắc lại võng mạc, chúng phối trộn với nhau tạo thành “ánh sáng trắng”. Do đó, màu trắng là màu có độ sáng cao nhưng giá trị màu sắc bằng 0. Ngược lại, vật có màu đen, tức là nó không hề phản chiếu hoặc phản chiếu không đáng kể ánh sáng lại mắt của chúng ta. Chính vì vậy, “đen” cũng không phải là một màu sắc.
Thảo Vy
Theo Britanica