Đám mây kỳ lạ có hình giống "cửa thiên đường" trên bầu trời Indonesia
(Dân trí) - Người dân sống tại Indonesia đã rất bất ngờ và thích thú khi được nhìn thấy một đám mây với hình dáng kỳ lạ, giống như cánh cửa để bước sang một thế giới khác, xuất hiện trên bầu trời.
Theo thông tin từ huyện Jember, tỉnh Đông Java, Indonesia, nhiều người dân đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến một đám mây với hình thù kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời. Các hình ảnh và video về hiện tượng này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Nhiều người đã so sánh đám mây kỳ lạ này với "cổng thiên đường", trong khi một số người nhận định đây có thể là cánh cổng dẫn sang một thế giới khác, giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tượng này chỉ là một hiện tượng thiên nhiên bình thường. Hukama Nur Akmal, chuyên gia thời tiết tại Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia, cho biết đám mây hình chữ nhật này được gọi là lỗ hổng Fallstreak, hay còn gọi là lỗ mây.
Lỗ mây là một khoảng trống lớn xuất hiện trong các đám mây ti tích (những đám mây nhỏ, màu trắng, thường được sắp xếp thành các hàng ở độ cao lớn và được hình thành từ các tinh thể băng) hoặc mây trung tích (những đám mây màu trắng hoặc xám, thường xuất hiện thành các mảng hoặc dải ở độ cao trung bình từ 2.400 đến 6.100 mét).
Lỗ mây thường hình thành khi nhiệt độ nước trong mây thấp hơn điểm đóng băng, nhưng nước vẫn chưa thể đóng băng do thiếu các hạt mầm băng. Hiện tượng này thường xuất hiện do máy bay bay qua lớp mây và kích hoạt sự hình thành các hạt nhân băng.
"Khi máy bay bay qua một lớp mây dạng tầng mỏng, nó sẽ kích hoạt quá trình đóng băng. Sự đóng băng này biến các giọt nước thành các hạt băng, tạo nên hiệu ứng domino, trong đó các hạt băng rơi xuống từ độ cao lớn, tạo thành một lỗ hổng trong đám mây", ông Hukama chia sẻ.
Trên thực tế, hiện tượng lỗ mây này không hiếm gặp và có thể được thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Do những lỗ mây này thường có hình dạng tròn, không ít người đã nhầm lẫn và tưởng rằng đó là đĩa bay của người ngoài hành tinh.