Cúm và virus corona mới – cái nào đáng lo ngại hơn?
(Dân trí) - Tin tức về sự bùng phát virus corona mới đã lên đầu các trang báo nhiều tuần nay, nhưng còn một bệnh dịch truyền nhiễm khác đang hoàn hành các nước, đó là cúm mùa.
Vậy có thể so sánh hai virus này ra sao, cái nào đáng sợ hơn?
Cho đến nay, virus corona mới đã gây bệnh cho 28.023 người và làm chết 563 người chết ở Trung Quốc, cộng thêm hơn 200 người bệnh và 2 người chết ở ngoài Trung Quốc đại lục. Nhưng những con số này chưa là gì so với dịch cúm, hay còn gọi là influenza. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Mỹ (CDC), chỉ riêng nước này đã có khoảng 19 triệu người mắc, 180.000 người phải nhập viện và 10.000 người chết trong mùa dịch cúm hiện nay.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu cúm mùa trong nhiều thập kỷ nay. Vì thế, cho dù nó rất nguy hiểm, nhưng chúng ta đã biết khá nhiều về các virus cúm và biết được điều gì sẽ xảy ra mỗi khi mùa dịch đến. Ngược lại, chúng ta mới biết rất ít về virus corona mới vì nó quá mới. Điều này cũng có nghĩa là virus corona sẽ lây lan đến đâu và gây ra bao nhiêu cái chết, thì chưa thể nói được.
Bác sỹ Anthony Fauci – Giám đốc Viện quốc gia các bệnh dị ứng và truyền nhiễm – phát biểu tại hội nghị báo chí Nhà Trắng hôm 31/1 rằng “tôi có thể nói với tất cả các vị một cách chắc chắn rằng khi chúng ta bước sang tháng 3 và tháng 4, các ca cúm sẽ giảm xuống. Các vị có thể dự báo khá chính xác qui mô số người sẽ nhập viện và sẽ tử vong. Vấn đề bây giờ với virus corona mới là có quá nhiều điều chúng ta chưa biết về nó”.
Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu được nhiều hơn về virus corona mới, và hiểu biết của chúng ta về nó cũng như mối đe dọa từ nó có thể sẽ thay đổi khi có thêm nhiều thông tin. Dựa trên những gì chúng ta biết được, các nhà khoa học đã so sánh nó với virus cúm như sau.
Triệu chứng và mức độ nguy hiểm
Cả hai chủng virus cúm mùa (influenza A và influenza B) và virus corona mới đều là những vi rút lây truyền và gây ra bệnh đường hô hấp.
Theo CDC, các triệu chứng điển hình của cúm là sốt, ho, viêm họng, đau nhức cơ bắp, đau đầu, ngạt mũi, sổ mũi, mệt mỏi và đôi khi là nôn mửa và tiêu chảy. Các triệu chứng này thường đến bất chợt. Hầu hết mọi người mắc cúm đều khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng ở một số người, cúm gây ra biến chứng, trong đó có biến chứng thành viêm phổi. Trong mùa dịch cúm hiện nay đã có khoảng 1% số người nhiễm bệnh trở nặng phải nhập viện, tỉ lệ này tương đương với năm ngoái.
Với virus corona mới, các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm hiểu bức tranh đầy đủ về các triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh. Trong một nghiên cứu mới đây trên đối tượng là 100 người bệnh (báo cáo được công bố ngày 30/1 trên tập san y khoa The Lancet) thì các triệu chứng phổ biến nhất là sốt, ho và thở gấp. Chỉ có khoảng 5% bệnh nhân trong số này bị viêm họng và sổ mũi, và 1-2% bị tiêu chảy, chóng mặt và nôn. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 4/2 thì trong số hơn 20.000 trường hợp ở Trung Quốc, có khoảng 14% được phân loại bệnh nặng.
Điều quan trọng cần nhớ là cũng theo WHO, các virus gây bệnh hô hấp gây ra các triệu chứng giống nhau nên rất khó phân biệt chúng nếu chỉ dựa trên triệu chứng.
Tỉ lệ chết
Mùa cúm năm nay tính đến nay, khoảng 0,05% số người nhiễm ở Mỹ đã bị chết.
Tỉ lệ chết do virus corona mới vẫn chưa rõ ràng, nhưng có vẻ như cao hơn so với cúm, đến nay nó được xác định là khoảng 2%. Ngoài ra, các quan chức lưu ý mọi người rằng trong thời gian đầu của một đợt bùng phát, các ca đầu tiên được xác định là “thiên về nghiêm trọng”, khiến cho tỷ lệ chết có vẻ cao hơn so với toàn đợt. Bộ trưởng Bộ Y tế và An ninh nội địa Mỹ, ông Alex Azar phát biểu tại một cuộc họp ngày 28/1. Tỷ lệ chết có thể giảm khi có thêm các ca được xác định là bệnh nhẹ.
Lây truyền virus
Các nhà khoa học sử dụng “số tái sản sinh cơ bản” R0 để xác định khả năng lây lan của một virus. Đây là một con số ước tính trung bình 1 người bệnh có thể lây cho bao nhiêu người khác. Tờ Thời báo New York đưa tin cúm có R0 là 1,3.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục làm việc để xác định R0 của virus corona mới. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England ngày 29/1 ước tính R0 của virus mới này là 2,2 – có nghĩa là mỗi người bệnh có thể lây cho trung bình 2,2 người.
Điều quan trọng cần lưu ý là R0 không nhất thiết phải là một con số cố định. Con số này có thể thay đổi tùy từng vùng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là mức độ mọi người tiếp xúc với nhau và các nỗ lực nhằm giảm sự lây lan.
Nguy cơ lây nhiễm
CDC ước tính rằng, trung bình mỗi mùa khoảng 8% dân số Mỹ bị cúm.
Hiện nay mới có 11 ca nhiễm virus corona mới ở nước này. Tuy nhiên, các virus mới luôn là mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. CDC nhận định vẫn chưa thể biết tình hình ở Mỹ sẽ ra sao với virus này. Một số người như nhân viên chăm sóc sức khỏe, có nguy cơ cao sẽ phơi nhiễm virus này. Nhưng với đa số người dân Mỹ, nguy cơ sức khỏe tức thời lúc này vẫn khá thấp.
Dịch bệnh
Điều quan trọng cần nhớ là không được nhần lẫn cúm mùa bùng phát hàng năm với cúm dịch bệnh hay một đợt bùng phát toàn cầu của một chủng virus cúm mới. Điều này đã xảy ra năm 2009 với dịch cúm A H1N1, đợt cúm này đã giết chết khoảng từ 151.000 đến 575.000 người trên toàn thế giới – theo số liệu của CDC. Tại thời điểm hiện nay, không có dịch bệnh cúm nào.
Sự bùng phát virus corona mới chưa được tuyên bố là dịch bệnh, vì đa số các ca vẫn chỉ trong phạm vi Trung Quốc, nhưng ngày 30/1, WHO đã tuyên bố bùng phát virus corona mới là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây lo ngại ở phạm vi quốc tế”. WHO đưa ra tuyên bố này chủ yếu là do lo ngại rằng virus có thể lây lan đến các nước có hệ thống y tế yếu kém.
Phòng ngừa
Không giống như cúm mùa hiện đã có vắc xin phòng ngừa, virus corona mới chưa có vắc xin. Các nhà nghiên cứu ở Viện Sức khỏe quốc gia của Mỹ đang tiến hành các bước đầu để phát triển loại vắc xin này. Theo kế hoạch, đợt thử nghiệm lâm sàng thứ nhất của vắc xin này sẽ được tiến hành trong vòng 3 tháng tới.
Nhìn chung, CDC khuyến cáo phòng ngừa lây lan các loại virus bằng cách: rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước tối thiểu trong 20 giây, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay, tránh tiếp xúc gần với người ốm, ở nhà nếu bị ốm, thường xuyên làm sạch và khử trùng đồ dùng và các bề mặt trong nhà và nơi sinh hoạt.
Phạm Hường
Theo Live Science