Công nghệ xử lý chất thải được "nội địa hóa" phù hợp với điều kiện Việt Nam
(Dân trí) - Sản phẩm, công nghệ xử lý chất thải được nghiên cứu, chế tạo bởi các tổ chức KHCN trong nước dẫu tiềm năng, nhưng lại chưa có cơ hội được biết đến bởi những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngày 17/12, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Giới thiệu Công nghệ xử lý chất thải". Đây được xem là vấn đề cấp bách, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của người dân tại các thành phố lớn.
Tại hội thảo, GS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam đã có bước phát triển, tiến bộ, đặc biệt các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào xử lý chất thải.
Dẫn số liệu của Bộ TN&MT, giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, GS.TS Trịnh Văn Tuyên cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn công nghệ để giải quyết các vấn đề chất thải.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay vẫn tồn tại thực trạng rằng công nghệ xử lý chất thải trong nước mặc dù tốt, có chi phí thấp hơn đáng kể, nhưng lại ít được thị trường chấp nhận và sử dụng.
Theo GS Tuyên, đây đều là những công nghệ có chất lượng tương đương hàng nhập ngoại, giá rẻ hơn và rất nhiều tiềm năng ứng dụng. Điển hình như mẫu lò đốt VHI-18B xử lý chất thải rắn y tế do Viện Công nghệ Môi trường làm chủ công nghệ sản xuất, vận hành và bảo dưỡng.
Sản phẩm này được tích hợp công nghệ đốt theo mẻ, áp dụng nguyên lý đốt đa vùng, xử lý hiệu quả khí thải, nhưng hiện mới chỉ được triển khai ở 50 bệnh viện. Theo GS Tuyên, con số này là quá thấp so với nhu cầu thực tế.
Hay như mẫu lò đốt chất thải rắn nguy hại không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC với mức giá chỉ bằng 50%, hoặc thậm chí chỉ bằng một phần ba so với sản phẩm tương tự nhập khẩu, nhưng lại ít được sử dụng.
Điều này theo GS Tuyên, là do quảng bá sản phẩm trong nước còn yếu, khiến cho sản phẩm dẫu tiềm năng, nhưng lại chưa có cơ hội được biết đến bởi những tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ngoài chi phí đầu tư và lắp đặt, GS Tuyên cũng cho biết sản phẩm nội có nhiều ưu thế, như do làm chủ được công nghệ, nên quá trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng... đều sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KHCN Quốc gia, việc phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cần được đẩy mạnh. Lý do là vì đa số doanh nghiệp Việt rất thiếu thông tin về các sản phẩm khoa học trong nước, cũng như chưa kết nối với các nhà khoa học.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu dù cho ra sản phẩm, giải pháp tương đối sát sườn cho đời sống của người dân, song lại không có kỹ năng để quảng bá sản phẩm. Nên từ đó, sản phẩm không tới được tay doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các đại biểu cho rằng, tỷ lệ rác thải chôn lấp hiện nay cho phép chiếm 71%, nhưng sắp tới còn không quá 30% đối với các hệ thống đầu tư mới. Vì vậy, đó là cơ hội cho sản xuất để chuyển đổi công nghệ. Các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý khí thải để giải quyết bất cập hiện nay.