Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa đạt tỷ lệ tương xứng với tiềm năng
(Dân trí) - Đây là nhận định của ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa Học và Công nghệ trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2021.
Hội nghị "Đổi mới sáng tạo mở: Hợp tác cùng phát triển", được đồng tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ và Công ty Cổ phần Viet Lotus, diễn ra sáng 14/12 tại Hà Nội.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2021, được tổ chức định kỳ hàng năm, là một trong những hoạt động kích hoạt phát triển các nền tảng kết nối, nhằm khai thác có hiệu quả sự phát triển của KH&CN, từ đó thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài học thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa Học và Công nghệ (KH&CN) nhấn mạnh rằng chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Nhìn một cách tổng thể, Thứ trưởng cho rằng số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa đạt tỷ lệ tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, chất lượng cũng không đồng đều, chưa có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác các công nghệ lõi, công nghệ cao; tính liên kết, hợp tác trong hệ sinh thái chưa đi vào chiều sâu.
Để khắc phục điều này, Thứ trưởng Tùng cho rằng cần phải có một mô hình đổi mới trên diện rộng nhằm tạo sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đã có, cải tiến quy trình, dây chuyền sản xuất kinh doanh, cải tiến về mặt con người và hơn nữa là đổi mới về tư duy duy, mô hình kinh doanh.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đề xuất mô hình nơi các viện nghiên cứu/trường đại học và startup coi các tập đoàn, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính. Bên cạnh đó, các tập đoàn, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng hệ sinh thái của mình, sử dụng trí tuệ bên ngoài từ startup, viện/trường… để phát triển những sản phẩm đổi mới.
Theo ông Quất, mô hình này được cho là đã thành công ở Singapore, với việc hàng trăm nhóm sinh viên đến từ các trường đại học trên thế giới đã cùng nhau giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và chính phủ Singapore thông qua các cuộc thi khởi nghiệp. "Doanh nghiệp lớn có thể trở thành nhà đầu tư. Nguồn lợi mà họ thu được có thể còn lớn hơn các ngành truyền thống", ông khẳng định.
"Doanh nghiệp theo đó cũng trở thành người đặt hàng, người sử dụng sản phẩm và nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo, tạo ra sự phát triển không giới hạn trong ngành sản xuất kinh tế. Khi đó, chữ 'mở' sẽ ngày rộng lớn", ông Quất cho biết.