Các chương trình KHCN trọng điểm mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia
(Dân trí) - Sự hỗ trợ và những đóng góp về nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế Việt Nam.
Chiều 13/12 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức, có sự tham dự của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, các Ủy viên Trung ương Đảng, cùng đại diện các đơn vị chức năng, các ban chủ nhiệm chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ, những đóng góp về nghiên cứu khoa học trong việc kiến nghị hoàn chỉnh chính sách, cơ chế quản lý đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Bộ trưởng cho biết vật liệu, thiết bị, công nghệ, kết quả của các chương trình thuộc lĩnh vực KH-CN đang được ứng dụng trong sản xuất, nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế Việt Nam.
Đối với chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các kết quả nghiên cứu đã được chắt lọc thành những báo cáo, kiến nghị trong việc xây dựng cơ chế chính sách, hình thành những tri thức để nâng cao nhận thức của xã hội về văn hóa, xã hội và con người.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng với mô hình tăng trưởng theo chỉ số ứng dụng trong thực tế, khoa học công nghệ ngày càng thể hiện vai trò không thể thiếu trong công tác phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta. "Nhờ sự say mê, lao động miệt mài, âm thầm của các nhà khoa học, sự cống hiến nỗ lực của các cơ quan nghiên cứu, công tác quản lý đã góp phần là yếu tố thành công", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cũng nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia vẫn được tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của các ban chủ nhiệm chương trình, sau 5 năm hoạt động, với sự nỗ lực rất lớn của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan quản lý, đến nay, 97% các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các chương trình đã được đánh giá nghiệm thu với 206 nhiệm vụ có kết quả đạt và 40 nhiệm vụ có kết quả xuất sắc.
Trong đó, có 257 nhiệm vụ khoa học - công nghệ được triển khai, hơn 9.700 thành viên là các cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp nghiên cứu, tổng kinh phí là 2.145.093 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước là 1.533.530 triệu đồng.
Tổng kết ghi nhận 469 loại sản phẩm, gồm: 103 loại thiết bị máy móc, 85 vật liệu mới, 31 dây chuyền công nghệ, 69 mẫu/mô hình, 136 sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và các sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm... đã thương mại hóa hàng trăm tỷ đồng trong quá trình thực hiện. Có 384 giải pháp, quy trình công nghệ, gồm: 90 cơ sở dữ liệu, số liệu; 60 phần mềm các loại...
Trong khuôn khổ của sự kiện, các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi, đóng góp những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình, đề xuất những kiến nghị, định hướng về nội dung và công tác tổ chức quản lý cho chương trình trọng điểm cho giai đoạn tới. Cùng với đó, lãnh đạo Bộ KHCN cũng cam kết cam kết sẽ tích cực phối hợp với các ban ngành khác để hoàn thiện thể chế, điều chỉnh để các nhà khoa học, các tổ chức tham gia triển khai một cách hiệu quả nhất.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trao quyết định khen thưởng cho các chương trình và nhiệm vụ đạt kết quả xuất sắc trong giai đoạn 2016-2020, bao gồm 6 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (chương trình KC) và 1 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX.01/16-20).