Công nghệ Nhật Bản giúp sông Tô Lịch tăng khả năng tự "chữa bệnh"
(Dân trí) - Theo chuyên gia vật lý, nhà nghiên cứu năng lượng Plasma Nguyễn Phụng Châu, Công nghệ Nano- Bioreactor Nhật Bản thực chất là 1 công nghệ năng lượng Plasma, giúp sông Tô Lịch tăng khả năng tự "chữa bệnh".
Sáng nay (21/8), trao đổi với phóng viên Dân trí về nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đang áp dụng thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây (Hà Nội), chuyên gia Vật lý, nhà nghiên cứu năng lượng Plasma Nguyễn Phụng Châu - cho rằng: Công nghệ Nano Bioreactor thực chất là 1 dạng của công nghệ năng lượng Plasma, công nghệ năng lượng khí vi tế (tinh tế) phi truyền thống, là lĩnh vực vật lý rất mới, nên các nhà khoa học hiện nay rất ít người biết. Và không thể tưởng tượng được sức mạnh “vô hình” của nó có thể làm thay đổi 1 dòng sông.
Ông Nguyễn Phụng Châu phân tích thêm, nước bẩn sông Tô Lịch chảy tiếp xúc (tấm Bioreactor), các nhóm vi khuẩn sẽ bị kích hoạt ra các Enzyme phân cắt phân tử nước H-O-H giải phóng ra rất nhiều Oxy (có thể là vô tận), cho thủy sinh tạo môi trường hỗ trợ các vi khuẩn hiếu khí… khi phân hủy bùn, các chất thải hữu cơ không sinh ra mùi hôi thối, sẽ làm sạch nước sông Tô Lịch.
Theo ông Nguyễn Phụng Châu, việc làm sạch sông Tô Lịch đang được nhà quản lý, nhà khoa học nói lên những "ý tưởng" khác nhau, như: Nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm sạch sông Tô Lịch cần phải tách nguồn nước thải hàng ngày từ gần 300 cống đổ vào dòng sông này. Sau đó, xây dựng hệ thống cống dọc 2 bên bờ sông để gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung; bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch; dùng hóa chất làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch,...
Tuy nhiên, theo ông Châu, cách xây dựng hệ thống cống để gom nước thải 2 bên bờ sông là rất tốn kém và không khả thi. Bởi, khi tiến hành xây dựng hệ thống cống gom nước thải sẽ phải đền bù nhà đất rất tốn kém, với sông Tô Lịch là khoảng 14km, nhưng với các con sông khác dài hàng chục km thì điều này càng khó thực hiện.
"Công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản như tôi phân tích ở trên, thực tế nó một dạng của công nghệ năng lượng Plasma. Công nghệ này tạo oxy vô tận, giúp sông Tô Lịch tăng khả năng tự "chữa bệnh" gấp nhiều lần so với các công nghệ khác. Công nghệ này như nhà máy xử lý nước thải đặt ngay dưới lòng sông, xử lý ô nhiễm tại chỗ và bền vững vì tạo oxy vô tận" - ông Nguyễn Phụng Châu đánh giá.
Cũng theo ông Châu, hiện nay nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng công nghệ năng lượng Plasma để làm ra các sản phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước, hoặc các sản phẩm phục vụ cho con người.
Khi trò chuyện với phóng viên, ông Châu bất ngờ lấy từ túi đồ của mình ra một vật dụng giống như bình giữ nhiệt mini đang bán trên thị trường và giới thiệu rằng, đây là bình đựng nước có áp dụng công nghệ năng lượng Plasma, do Nhật Bản làm. Phần nắp và đáy bình có đều có viên đá núi lửa, không phải đá nguyên chất mà đã được xử lý theo công thức để phù hợp với sức khỏe của con người.
Ông Châu cho biết, dùng chiếc bình nói trên để đựng nước uống, nguồn nước sẽ được xử lý và khi uống sẽ tốt cho sức khỏe.
"Hiện nay Trung Quốc đã cho các nhà nghiên cứu ứng dụng công nghệ năng lượng Plasma để làm ra sản phẩm chữa được bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo tôi được biết, Trung Quốc đã bỏ ra số tiền khổng lồ để cho các nhà khoa học nghiên cứu công nghệ năng lượng Plasma này" - ông Châu nói.
Đoạn sông Tô Lịch (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt) vẫn đang được thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản.
Chuyên gia Nguyễn Phụng Châu cho biết, loại đá núi lửa này có năng lượng Plasma cực kỳ lớn. Hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu, chế tạo, lắp đặt, vận hành được quy trình dây chuyền công nghệ này (nếu nhập khẩu đá núi lửa ở Nhật Bản) để làm sạch nước sông Tô Lịch mà không cần bơm nước sông Hồng vào. Từ đó, dòng sông Tô Lịch huyền thoại sẽ hồi sinh, chảy đều với đầu vào là hệ thống nước mưa hàng năm (kể cả hệ thống nước thải) và đầu ra sông Nhuệ cũng sẽ được “thơm lây”.
Theo chuyên gia Nhật Bản, công nghệ Nano - Bioreactor gồm hai thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).
Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm phân cắt phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.
Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 0,05µm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.
Nguyễn Dương