Công nghệ bào chế thuốc tiêm chữa ung thư mở ra cơ hội mới cho người bệnh

(Dân trí) - Không chỉ thành công với các đề tài nghiên cứu về Y mà ngay cả lĩnh vực Dược các nhà khoa học Việt Nam cũng đang chứng minh với quốc tế về khả năng nghiên cứu, bào chế thuốc. Nổi bật trong đó là nghiên cứu thành công về bào chế thuốc tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B đã mở ra cơ hội cho người mắc bệnh ung thư.

*Quy trình công nghệ bào chế thuốc tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B

Xuất xứ từ đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu bào chế thuốc tiêm liposome doxorubicin và amphotericin B”, mã số KC.10.14/11-15.

Công nghệ bào chế liposome là lĩnh vực mới ở trong nước. Đề tài đã nghiên cứu bào chế thành công dạng thuốc tiêm liposome với 2 dược chất (DC) chữa ung thư (doxorubicin hydroclorid) và chống nấm hệ thống (amphotericin B) nhằm mục tiêu tăng hiệu quả điều trị và giảm độc tính. Đặc tính của 2 DC này rất khác nhau: doxorubicin hydroclorid dễ tan trong nước nên được đưa vào trong khoang nước của liposome có kích cỡ nm dựa vào chênh lệch pH và đặc tính ion hóa. Trong khi đó amphotericin B không tan trong nước được tạo phức với phospholipid kép của lớp vỏ liposome.

Thuốc tiêm Liposome Doxorubicin và Liposome Amphotericin B
Thuốc tiêm Liposome Doxorubicin và Liposome Amphotericin B

Trong quá trình nghiên cứu, đã sử dụng rất nhiều các phương pháp bào chế khác nhau nhằm tìm ra qui trình khả thi nhất. Qua đó đội ngũ tham gia nghiên cứu được trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng trong triển khai dạng thuốc mới. Các chế phẩm bào chế được có các đặc tính tương tự với các chế phẩm đối chiếu có uy tín trên thị trường và được chứng minh tác dụng cũng như độ an toàn trên mô hình động vật thực nghiệm.

Kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng trong việc triển khai sản xuất thử nghiệm ở qui mô lớn hơn trong một nhà máy có trang thiết bị phù hợp với qui trình. Mặc dù tá dược còn phải nhập khẩu tương đối đắt tiền, nhưng so với sản phẩm đạng lưu hành trên thị trường, ước tính giá thành rẻ hơn 1/2. Hiện nay bệnh nhân ung thư và nấm hệ thống là đối tượng bệnh nặng, chí phí điều trị cao, sử dụng thuốc với độc tính mạnh.

Các sản phẩm liposome nếu được triển khai sản xuất sẽ mang lại lợi ích về giá và độ an toàn cho người bệnh. Đặc biệt, việc làm chủ công nghệ nano liposome sẽ giúp các nhà khoa học không chỉ bào chế thuốc trúng đích điều trị ung thư, mà hoàn toàn có thể triển khai rộng hơn với các dược chất khác, để bào chế dạng tương tự.

*Quy trình can thiệp nội mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận

Xuất xứ từ đề tài cấp nhà nước “Ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận”, mã số KC.10.02/11-15.

Lần đầu tiên trong nước, đề tài nghiên cứu đã xây dựng được những chỉ định và quy trình kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi chuẩn trong điều trị chấn thương gan thận đạt được tính khoa học, hiện đại, cập nhật và có tính thực tiễn cao ở VN.

Đây là phương pháp an toàn giúp chẩn đoán và xử lý hiệu quả các tổn thương gan và thận, cũng như giúp điều trị các tổn thương phối hợp trong ổ bụng. Cùng với khả năng bảo tồn gan và thận chấn thương, phẫu thuật nội soi còn giúp bệnh nhân giảm đau sau mổ, sớm phục hồi lưu thông tiêu hóa và rút ngắn thời gian nằm viện, cũng như làm giảm lượng máu cần truyền so với mổ mở.

Điều trị tổn thương động mạch gan và thận do chấn thương bằng can thiệp nội mạch là một phương pháp điều trị ít xâm hại, an toàn và hiệu quả được áp dụng cho các bệnh nhân có tổn thương mạch máu với tỷ lệ thành công cao. Ứng dụng quy trình can thiệp mạch để điều trị bệnh nhân chấn thương gan và thận đều đạt kết quả tốt. Hiện nay, các quy trình này đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị cấp cứu chấn thương gan, thận tại BV Việt Đức làm tăng khả năng bảo tồn tạng chấn thương và giảm được tỷ lệ mổ mở trong cấp cứu.

Kết quả thu được của đề tài đóng góp vào sự phát triển kỹ thuật cao trong điều trị chấn thương gan, thận nói riêng và chấn thương bụng nói chung. Các bệnh nhân chấn thương bụng kín sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi điều trị bảo tồn tạng chấn thương bằng kỹ thuật cao ngay tại Việt Nam với trình độ chuyên môn ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới và đặc biệt là chi phí y tế chỉ bằng 1/10 đến 1/5 so với các nước trong khu vực.

*Quy trình kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ

Xuất xứ từ đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ”, mã số KC.10.34/11-15.

Phình động mạch chủ là tình trạng dãn không hồi phục của động mạch chủ với đường kính lớn hơn 1,5 lần giá trị bình thường. Bóc tách động mạch chủ xảy ra khi có dòng máu trong động mạch chủ xuyên qua chỗ rách nội mạc vào lớp áo giữa, kéo dài dọc theo động mạch chủ.

Kíp phẫu thuật can thiệp mạch điều trị đột quỵ
Kíp phẫu thuật can thiệp mạch điều trị đột quỵ

Phình và bóc tách động mạch chủ hay xảy ra trên những bệnh nhân có rất nhiều yếu tố nguy cơ: lớn tuổi, hút thuốc lá, bệnh động mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...tình trạng toàn thân rất nặng. Phình và bóc tách động mạch chủ rất nguy hiểm, tử vong cao và đột ngột, khoảng 70% sẽ tử vong do vỡ sau 2 năm. Phương pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật cắt đoạn phình, bóc tách và thay bằng mạch nhân tạo.

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phẫu thuật, gây mê hồi sức trong điều trị phình và bóc tách động mạch chủ, tỷ lệ tử vong và biến chứng (yếu liệt, suy gan, thận hay hôn mê...) giảm đáng kể, nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao, đặc biệt là đối với phình, bóc tách động mạch chủ ngực.

Một số nghiên cứu ghi nhận tử vong chu phẫu (tử vong trong vòng 30 ngày sau mổ) dao động từ 10-26%. Can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng được Parodi thực hiện đầu tiên tại Argentina, năm 1991. Năm 1994, Dake tiến hành đặt ống ghép nội mạch điều trị phình động mạch chủ ngực. Can thiệp nội mạch điều trị phình, bóc tách động mạch chủ có tỷ lệ biến chứng, tử vong chu phẫu thấp hơn so với phẫu thuật kinh điển và được tiến hành thường quy ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI.

Tại Việt Nam, khoảng năm 2011, kỹ thuật này bắt đầu được thực hiện ở một số bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức...nhưng số lượng không nhiều. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch trong điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ’’ thực hiện với tổng số 100 trường hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đều bung được ống ghép nội mạch thành công, không có trường hợp nào phải chuyển mổ mở. Tỷ lệ tử vong chu phẫu thấp dao động từ 0-3,3%. Kết quả này tương đương với nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp trên 90%, đạt yêu cầu so với dự kiến ban đầu khi tiến hành nghiên cứu.

Với các kết quả thu được từ đề tài, có thể thấy can thiệp nội mạch điều trị phình, bóc tách động mạch chủ là phương pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn, tỷ lệ tử vong thấp, thời gian phục hồi nhanh, bệnh nhân sớm trở lại với sinh hoạt hàng ngày. Can thiệp nội mạch đang dần thay thế phẫu thuật kinh điển trong điều trị phình, bóc tách động mạch chủ. Việc thực hiện kỹ thuật này thường quy tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập, tiệm cận với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia…và với nền y học hiện đại của thế giới.

Với trang thiết bị chính là C-arm kỹ thuật số mạch máu, đề tài có thể được đào tạo, chuyển giao và thực hiện ở nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên.

*Quy trình công nghệ sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplatin quy mô công nghiệp

Đông khô là một kỹ thuật làm khô dung dịch nước sau khi được đông lạnh ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ eutecti của dung dịch, dung môi được loại trực tiếp từ pha rắn không qua pha lỏng dưới áp suất giảm, thu được sản phẩm khô. Hiện nay, kỹ thuật đông khô được áp dụng rộng rãi trong sản xuất thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và một số dạng thuốc khác như hệ thống mang dược chất dùng trong nhãn khoa, viên nén rã nhanh, vi nang... Ưu điểm của kỹ thuật đông khô đối với các chế phẩm dược phẩm là: quá trình làm khô được tiến hành ở nhiệt độ thấp nên hạn chế được tốc độ phản ứng hóa học phân hủy dược chất, sản phẩm thu được có bề mặt riêng lớn nên sẽ hòa tan nhanh khi cần thiết. Thuốc được phân liều ở dạng dung dịch cho nên dễ dàng đạt yêu cầu đồng nhất về hàm lượng trong từng đơn vị phân liều, tăng tính ổn định của sản phẩm trong quá trình lưu thông, thuận tiện cho quá trình vận chuyển, lưu kho và sử dụng.

Sản xuất thành công thuốc tiêm đông khô Carboplatin quy mô công nghiệp điều trị bệnh ung thư tại Công ty Dược – TTB Y tế Bình Định
Sản xuất thành công thuốc tiêm đông khô Carboplatin quy mô công nghiệp điều trị bệnh ung thư tại Công ty Dược – TTB Y tế Bình Định

Hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 100.000 lọ thuốc tiêm carboplatin với giá khoảng 387.000 đồng/lọ. Nếu sản xuất tại Việt Nam với giá thành phù hợp sẽ chủ động nguồn thuốc, giảm gánh nặng ngoại tệ cũng như giảm chi phí cho bệnh nhân. Sau 4 năm triển khai thực hiện Dự án Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thuốc tiêm đông khô Carboplatin quy mô công nghiệp, Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định - đơn vị chủ trì thực hiện đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Sản phẩm Carboplatin của dự án được bào chế dưới dạng đông khô bằng công nghệ hiện đại có nhiều ưu điểm hơn các dạng thuốc thông thường đang có mặt trên thị trường như: nâng cao tuổi thọ của thuốc, sản phẩm ổn định, dễ hòa tan khi sử dụng, dễ vận chuyển...

Sản phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp đã đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường với giá thành giảm từ 20 đến 25% so với sản phẩm nhập khẩu và chất lượng tương đương, chủ động trong việc cung ứng thuốc chống ung thư (như ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư bàng quang), góp phần trong việc điều trị và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là nền tảng cho việc sản xuất các sản phẩm chống ung thư khác tại Việt Nam, góp phần ổn định thị trường thuốc, đặc biệt là nâng cao năng lực sản xuất của ngành dược.

*Quy trình lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý sơn.

Xuất xứ từ đề tài KHCN tiềm năng cấp NN “Nghiên cứu lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý Sơn và đánh giá tác dụng sinh học của sản phẩm tạo ra” Mã số KC.10.TN05/11-15.

Quy trình lên men tạo tỏi đen Lý Sơn quy mô 10 kg/mẻ, sản phẩm thu được có vị ngọt, không có mùi hăng cay của tỏi thường. Tỏi đen Lý sơn được xác định thành phần hóa học với các nhóm hợp chất: flavonoid, polyphenol, thiosulfinat, đường tổng. Kết quả cũng cho thấy các nhóm hợp chất này tăng đáng kể sau khi lên men trong đó hàm lượng đường tổng tăng khoảng 13 lần, fructose tăng 52 lần. Đặc biệt là SAC (Sallyl Lcystein) – chất đã được chứng minh tác dụng mạnh của tỏi đen – tăng sáu lần so với tỏi tươi. Điều này giải thích vì sao sản phẩm có vị ngọt và tác dụng sinh học của sản phẩm cải thiện rõ rệt so với tỏi thường.

Tỏi đen do Học viện Quân y sản xuất
Tỏi đen do Học viện Quân y sản xuất

Tỏi là cây trồng phổ biến tại Việt Nam có năng suất cao, đặc biệt số vùng trồng tỏi có thương hiệu và giá trị cao như: Tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang... Tỏi Lý Sơn đã được được vào danh mục sản phẩm quốc gia và là cây xóa đói giảm nghèo của huyện đảo Lý Sơn.

Tuy nhiên cũng giống như các loại tỏi khác, tỏi mới dừng lại ở dạng bán nguyên liệu tỏi khô, chưa có các nghiên cứu về các dạng chế biến đặc biệt nhằm tạo ra các sản phẩm có tác dụng tốt, có giá trị gia tăng cao để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng thời nâng cao thu nhập cho người nông dân với nguồn dược liệu quý này.

Vì vậy, sản phẩm nghiên cứu góp phần cung cấp luận cứ khoa học về tỏi đen đồng thời tạo ra sản phẩm có tác dụng sinh học tốt, chất lượng ổn định, tạo dựng thêm thương hiệu cho tỏi Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống của người dân trồng tỏi. Ngoài ra, công nghệ quy trình đã được nghiên cứu đầy đủ, trong khi đầu tư trang thiết bị không quá tốn kém, do đo sản phẩm cũng thuận lợi khi chuyển giao sản xuất quy mô công nghiệp. Sản phẩm tỏi đen Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh và tiêu thụ được trên thị trường trong nước với giá thành chất lượng bởi: nguồn nguyên liệu chủ động, sẵn có, công nghệ đã làm chủ, chi phí nhân công rẻ.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm