Công bố tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Quyết định số 3087 về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát.

Chiều nay (17/10), tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Trần Đăng Ninh - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, chăn nuôi lợn chiếm khoảng hơn 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam.

Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với 3,36 tấn, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Braxin và Nga (MARD). Tuy nhiên, thịt lợn chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong khi sản lượng xuất khẩu còn rất nhỏ. Tại Việt Nam, thịt lợn chiếm tỷ trọng cao nhất gần 70% giữa các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng.

Ông Trần Đăng Ninh thông tin cho báo chí về thịt mát.
Ông Trần Đăng Ninh thông tin cho báo chí về thịt mát.

Trong thực tế sản xuất và kinh doanh sản phẩm thịt trên thị trường Việt Nam hiện nay chỉ tồn tại hai dạng thịt là thịt tươi tức thịt nóng ngay sau khi giết mổ được đem đi tiêu thụ và thịt lạnh đông. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme và rất khó để kiểm soát tình trạng an toàn vệ sinh.

Thịt mát theo các quy trình sản xuất phổ biến trên thế giới là thân thịt ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm thịt đến nhiệt độ từ 0oC đến 4oC trong một thời gian nhất định (khoảng 16 giờ đến 24 giờ cho thịt lợn) để cho trạng thái của thịt chuyển sang giai đoạn chín sinh hóa (Aging) sau đó mới được đem đi pha lọc và tiếp theo toàn bộ quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm đều đảm bảo tiến hành ở điều kiện nhiệt độ từ 0oC đến 4oC.

Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt lợn này đã rất phổ biến từ lâu và được chuẩn hóa trên thế giới (chilled meat).

Ngoài ra, với quy trình làm mát được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm không khí và chuỗi bảo quản, phân phối trong điều kiện mát làm cho sản phẩm thịt mát có những đặc tính chất lượng đặc trưng ưu việt của quá trình chín sinh hóa như làm cho thịt mềm, tăng hương, vị cho miếng thịt tăng khả năng tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thịt. Chế độ bảo quản mát cũng giúp đảm bảo tính an toàn thực phẩm cao với thời gian sử dụng kéo dài so với thịt tươi tức thịt nóng (warm meat) hiện nay.

Như vậy theo quy trình này, cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có một nhà máy nào sản xuất ra sản phẩm thịt mát đúng nghĩa.

Thịt tươi tại TCVN 7046:2009 được định nghĩa là “thịt của gia súc, gia cầm, chim và thú nuôi sau khi giết mổ ở dạng nguyên con, mảnh, miếng hoặc xay và được bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc nhiệt độ từ 0oC đến 4oC”. Định nghĩa về thịt tươi trong TCVN 7046:2009 dễ gây hiểu nhầm là đã bao gồm cả sản phẩm thịt mát do ghi bảo quản ở nhiệt độ 0oC đến 4oC.

Tuy nhiên, nếu chỉ bảo quản ở nhiệt độ này và thịt sau giết mổ không qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm sản phẩm thân thịt xuống dưới 4oC thì chất lượng và điều kiện vệ sinh của sản phẩm thịt cũng nhanh chóng bị giảm sút. Lý do đồng thời với các quá trình biến đổi của thịt qua các trạng thái khác nhau thì có sự phát triển của vi sinh vật trên thân thịt, dẫn đến chất lượng của thịt không thể kiểm soát và thịt không thể đạt được các chỉ tiêu chất lượng đã đề ra trong tiêu chuẩn và cũng như không có những tính chất ưu việt của thịt mát và tất nhiên cũng không thể được gọi là thịt mát.

Thịt tươi hay thịt nóng theo cách sản xuất tại Việt Nam hiện nay sẽ không còn tươi chỉ trong vòng một thời gian ngắn sau giết mổ, trong khi thịt mát vẫn giữ nguyên chất lượng tươi ngon sau nhiều ngày.

Thịt mát cũng là sản phẩm được tiêu thụ tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới (như EU, Mỹ). Trong tương lai thịt mát cũng là xu hướng phát triển của nền công nghiệp giết mổ, chế biến thịt cũng như xu hướng tiêu dùng mới tại Việt Nam. Chế biến thịt lợn mát là mục tiêu hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang chế biến công nghiệp, quản lí theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các thị trường.

Từ các lý do nêu trên, cho thấy việc xây dựng mới một TCVN “Thịt mát - Yêu cầu kĩ thuật” trong đó quy định rõ yêu cầu với nguyên liệu, yêu cầu kỹ thuật tại từng công đoạn sản xuất, yêu cầu về điều kiện bảo quản, phân phối để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm thịt mát và ghi nhãn hàng hóa, làm rõ sự khác biệt giữa sản phẩm thịt tươi và thịt mát là một việc làm đón đầu trong công tác quản lí, minh bạch khi ghi nhãn hàng hóa, thúc đẩy sự cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thịt mát có được nền tảng đầy đủ về mặt pháp lý đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận và tiêu thụ một sản phẩm ngon, an toàn cho sức khoẻ.

Không những vậy, TCVN mới này còn giúp nâng tầm ngành công nghiệp giết mổ và chế biến thịt tại Việt Nam cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, hiện nay chất lượng thịt lợn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù đã có các tiêu chuẩn về thịt tươi, thịt muối..., nhưng so với các chuẩn mực quốc tế thì thịt lợn của Việt Nam chưa có tiêu chuẩn mà quốc tế đang áp dụng.

Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi.
Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

"Gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ có quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn chưa có. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi" - ông Tiệp cho biết.

Cũng tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, hiện cả nước có 52/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch giết mổ. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, 11 tỉnh đã có quy hoạch giết mổ, nhưng toàn bộ khu vực này có tới 12.400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Ông Đàm Xuân Thành phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí.
Ông Đàm Xuân Thành phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí.

Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung lại thường xuyên hoạt động dưới công suất bởi đầu vào thấp, không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Tai khu vực Đông Nam bộ, mặc dù số lượng cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ ít hơn (307 cơ sở), nhưng các cơ sở giết mổ tập trung cũng hoạt động không hết công suất. Hiện đã có 5 tỉnh trong khu vực này tiến tới xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh...

Nguyễn Dương