Công bố nền tảng trực tuyến xây dựng chiến lược khoa học công nghệ

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - PGS. TS Nguyễn Ái Việt vừa cho ra mắt cuốn sách trên nền tảng trực tuyến mang tên Chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045 với mục đích tạo diễn đàn thảo luận vì sự phát triển của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt (nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược của Bộ thông tin truyền thông) là người đã truyền cảm hứng cho việc thành lập câu lạc bộ mang tên ông. Là một tri thức được đào tạo bài bản, và có vị trí vững chắc ở nước ngoài, ông đã chấp nhận chuyển toàn bộ gia đình về nước, để thực thi những nghĩa vụ với đất nước, có cơ hội làm những việc "viển vông cho đáng làm người". Dù luôn nỗ lực hoàn thành tất cả mọi trách nhiệm trong những cương vị được giao phó, cũng như sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức trong đời sống cá nhân và cả gia đình ở Việt Nam, PGS.TS Ái Việt vẫn đau đáu một giấc mơ là xác định những chiến lược lớn mà Việt Nam như một quốc gia phải giải quyết được trước thềm 100 năm kỷ niệm ngày lập quốc, trong bối cảnh phức tạp của địa chính trị thế giới và cuộc đối đầu trực diện và khốc liệt giữa Mỹ và cường quốc hàng xóm Trung Quốc.

Ông luôn tâm niệm, con đường duy nhất để Việt Nam có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, là nâng cao toàn diện năng lực khoa học công nghệ. 

Ở các cương vị công tác của mình ông cũng thấy rõ sự bất cập hiện tại trong việc xây dựng các chiến lược khoa học kỹ thuật, khi xuất phát từ trên xuống, phân theo các bộ ngành, rồi kết thúc ở mức chuyên viên. Chiến lược vì thế thiếu mục đích chung và không được sự thảo luận rộng rãi của cộng đồng.

 Ông cho rằng việc chiến lược KHCN hoàn toàn có thể được xây dựng từ dưới lên, từ các dự án do tư nhân tài trợ và bất cứ một thành phần liên quan nào cũng có thể tham gia tranh biện. Các sáng kiến cá nhân như vậy thế sẽ giúp cho cấp chính quyền cao nhất có nhiều lựa chọn để tham khảo và phê duyệt dựa trên thời điểm và nguồn lực hiện hữu.

Đầu năm nay, ông bắt tay vào viết ra những suy nghĩ của mình về một cách tiếp cận mới tới chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam đến năm 2045. 

Công bố nền tảng trực tuyến xây dựng chiến lược khoa học công nghệ - 1

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trao đổi tại sự kiện. 

Cuốn sách có phần mở đầu, 4 chương và kết luận, tham vọng đưa ra được những điểm lớn để cộng đồng khoa học công nghệ cùng tranh luận hướng đến một lời giải khả thi. Chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045 có thể được xây dựng từ dưới lên, từ các dự án do tư nhân tài trợ và bất cứ một thành phần liên quan nào cũng có thể tham gia tranh biện. Các sáng kiến cá nhân sẽ giúp Nhà nước có nhiều lựa chọn để tham khảo và phê duyệt dựa trên thời điểm và nguồn lực hiện hữu.

Theo PGS. TS Nguyễn Ái Việt,  Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là nguy cơ tụt hậu, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình mà con đường duy nhất để thoát khỏi là đầu tư vào khoa học, đào tạo một thế hệ có tri thức và tư duy khoa học, nâng cao toàn diện năng lực khoa học công nghệ.

Phó giáo sư Nguyễn Ái Việt nhấn mạnh một dự án lớn sẽ tạo ra được cơ chế phù hợp và tự thân nó sẽ tạo ra được tiền bạc và nguồn lực, đi ngược lại với suy nghĩ của đại đa số cho rằng phải có cơ chế và nguồn lực trước mới dám nghĩ đến chuyện lớn, sẽ tạo ra cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Quân cho rằng, việc xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045 là phù hợp bởi hiện nay Việt Nam đang xây dựng chiến lược theo từng giai đoạn 10 năm, từ năm 2021-2030.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam (nguyên Tổng Giám đốc FPT) cũng cho rằng một chiến lược khoa học công nghệ đầy tham vọng nhằm mục đích giải quyết những bài toán lớn nhất của đất nước như: Chống lũ lụt, hay khai thác và bảo vệ không gian biển, sẽ là thỏi nam châm thu hút trí tuệ của người Việt (và cả không phải người Việt) khắp nơi trên thế giới.

Toàn bộ cuốn sách về Chiến lược khoa học công nghệ Việt Nam 2045 được đưa lên trang web vietnamst2045.com để cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cùng tham khảo và tranh luận.