Con người có thể điều khiển tai hướng về phía phát ra tiếng động không?

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu người Đức vừa phát hiện ra con người cũng giống như một số loài vật, có thể vểnh tai về phía những âm thanh gây chú ý.

Các phát hiện này rất hữu ích trong việc chế tạo thiết bị trợ thính.

Con người có thể điều khiển tai hướng về phía phát ra tiếng động không? - 1

Với chó và mèo, chỉ cần một tiếng sột soạt hay lách tách nhỏ nhất cũng đủ để chúng dỏng tai về phía tiếng động đó. Một số loài khỉ cũng có thể vểnh tai theo ý muốn.

Cho đến nay, khoa học vẫn giả định rằng con người không có khả năng cử động tai hoặc đã hoàn toàn đánh mất khả năng này trong quá trình tiến hóa. Nhưng các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Saarland, Đức, mới công bố một nghiên cứu cho thấy con người thực sự có hướng tai của mình một cách vô thức về phía phát ra âm thanh gây chú ý. Tuy nhiên, các cử động này của tai rất nhỏ và trên thực thế khó có thể phát hiện ra.

Dỏng tai lên để nghe

Giáo sư Daniel Strauss của Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thần kinh hệ thống, thuộc trường đại học Saarland, cho biết các cơ xung quanh tai được kích hoạt ngay khi tiếp nhận kích thích tố mới hoặc liên quan đến nhiệm vụ nào đó. Ông giải thích rằng hoạt động điện của các cơ tai phản ảnh phương hướng mà một người nhắm sự chú ý của mình đến đó khi nghe.

Con người có thể điều khiển tai hướng về phía phát ra tiếng động không? - 2

Chó hướng tai về phía có tiếng động lạ.

Để phát hiện được những chuyển động rất nhỏ này, các nhà nghiên cứu đã dùng các cảm biến quanh tai để ghi lại hoạt động điện trong các cơ làm thay đổi hình dáng hoặc cử động loa tai. Ngoài ra, họ còn dùng máy quay có độ phân giải cao để ghi hình cử động tai của các đối tượng thí nghiệm.

Hóa thạch thần kinh 25 triệu năm

Theo giáo sưu Strauss, có thể con người vẫn còn giữ lại hệ thống định hướng để điều khiển cử động của loa tai. Ông cho rằng khả năng mới được phát hiện thông qua nghiên cứu nói trên chính là một dạng “hóa thạch thần kinh” vẫn còn lưu lại trong bộ não con người qua suốt thời gian 25 triệu năm.

Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa rõ vì sao khả năng cử động tai ở các loài linh trưởng đã gần như bị mất.

Hai dạng chú ý

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm như sau: trong lúc những người tham gia thí nghiệm đọc một đoạn văn đơn điệu không có gì thú vị, bất chợt có những tiếng động lạ vang lên từ hai bên khiến họ ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại “chú ý theo phản xạ” xuất hiện một cách tự động khi có những tiếng động bất ngờ vang lên.

Ngoài ra, các đối tượng tham gia thí nghiệm còn phải nghe một câu chuyện ngắn do một giọng đọc to phát ra từ một bên và lờ đi một câu chuyện khác phát ra từ bên kia. Thí nghiệm này nhằm kiểm tra sự “chú ý có mục đích”.

Con người có thể điều khiển tai hướng về phía phát ra tiếng động không? - 3

Phân biệt những âm thanh quan trọng với tiếng ồn nền: nghe có chủ đích bao gồm chú ý theo phản xạ và chú ý có chủ đích.

Cả hai thí nghiệm đều cho thấy cử động của các cơ sót trong tai người thể hiện sự hướng về phía có âm thanh mà các đối tượng chú ý lắng nghe.

Tùy vào loại kích thích tố, cá nhà nghiên cứu ghi lại những cử động rất nhỏ và hướng lên phía trên của tai hoặc cử động hướng về phía sau của rìa bên của loa tai ở các mức độ khác nhau.

Cơ sở của thiết bị trợ thính có mục đích

Các phát hiện nói trên không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu lịch sử tiến hóa hay nghiên cứu cơ bản, mà còn có thể áp dụng vào chế tạo thiết bị trợ thính hiện đại. Giáo sư Strauss cho biết các thiết bị này có thể khuếch đại những âm thanh mà người nghe cố gắng nghe được mà lại giảm được những âm thanh mà người đó không muốn nghe. Bằng cách này, chức năng của các thiết bị sẽ gần như tuân theo ý muốn của người sử dụng.

Một loại thiết bị trợ thính có thể phát hiện ra hoạt động điện của các cơ tai chỉ trong một số mili giây và như vậy có thể xác định phương hướng mà đôi tai đang cố gắng hướng về. Một máy tính siêu nhỏ được tích hợp trong thiết bị đó có thể khuếch đại micro định hướng có chủ đích và giảm tiếng ồn nền gây nhiễu.

Phạm Hường 

Theo DW