Cơ quan bảo vệ môi trường “tiếp tay” cho công ty sản xuất thuốc trừ sâu?

(Dân trí) - Tòa án liên bang của Hoa Kỳ mới đây đã phải quy định một cách miễn cưỡng rằng: Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) không nhất thiết phải bắt buộc các công ty sản xuất thuốc trừ sâu công bố những nguyên liệu “trơ” trong sản phẩm của họ, ngay cả khi những sản phẩm đó được biết đến là chất độc hại, chất gây ung thư hoặc các nguy cơ khác.

Trung tâm Y tế Môi trường, Tổ chức Bác sĩ vì Trách nhiệm Xã Hội (PSR), và Tổ chức Chống dùng thuốc trừ sâu (Beyond Pesticides) đã kiện EPA về việc làm trái với các trách nhiệm bắt buộc của mình do Đạo luật Liên bang Mỹ về Thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và Rodenticide ( FIFRA )

EPA yêu cầu nhãn thuốc trừ sâu phải nêu tên và tỷ lệ phần trăm của các “thành phần hoạt động”, các thành phần được cho là tạo ra các hiệu ứng thuốc độc diệt côn trùng. Nhưng cơ quan này lại không yêu cầu các công ty phải công bố những thành phần không hoạt động hay còn gọi là thành phần trơ để tránh “những rủi ro vô lý cho con người và môi trường”

Cơ quan bảo vệ môi trường “tiếp tay” cho công ty sản xuất thuốc trừ sâu? - 1

Các thành phần trơ không thực sự “trơ”

Các nguyên đơn đã đệ trình một danh sách gồm 370 loại thành phần thuốc trừ sâu “trơ” riêng biệt được phân loại bởi các nhà sản xuất thuốc trừ sâu hoặc bởi chính EPA, những thành phần này đã được xác định hoặc đang bị nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh ung thư, gây tổn hại tới cơ quan sinh sản, hoặc các rối loạn về thần kinh. Họ cũng đệ trình 96 thành phần khác mà EPA đã phân loại là “ưu tiên cao để thử nghiệm”

Yana Garcia người đại diện cho nguyên đơn đã nói với báo Courthouse News khi vụ kiện đã được đệ trình: “Điều chúng tôi đang chất vấn là việc EPA không có hành động gì ngay cả khi đã có các bằng chứng. Các hóa chất được liệt kê là trơ thật ra là không trơ. Người tiêu dùng nghĩ rằng các thành phần trơ là nước hoặc các chất lành tính khác dùng để pha trộn các hóa chất, nhưng có nhiều chất gây ung thư, một số chất khác có những tác động cấp tính và những chất còn lại thì vẫn chưa biết được cáctác động của chúng”

Trong số các thành phần ghi trong danh sách của các nguyên đơn, nhiều chất đã được xác định là dùng để tăng cường sự hấp thụ hay tăng tỷ lệ hít phải các thành phần hoạt động, những chất này làm cho thuốc trừ sâu khó gột bỏ khỏi quần áo, và thậm chí làm cho các hoạt chất có khả năng đi xuyên qua quần áo bảo hộ, găng tay.

Các nguyên đơn đã lập luận rằng việc che giấu sự hiện diện của các hóa chất nguy hiểm làm cho người sử dụng thuốc trừ sâu không có khả năng lựa chọn đúng đắn. Nó cũng làm cho các bác sĩ gặp nhiều khó khăn hơn để có thể điều trị hiệu quả cho những người đã tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

Sự hiện diện của các hóa chất này không chỉ ảnh hưởng đến những người sử dụng thuốc trừ sâu. Garcia cho biết “Chúng tôi cũng lo ngại về việc thuốc trừ sâu bị cuốn đi và tác động trên những con ong và các côn trùng thụ phấn khác”

Luật pháp còn khiếm khuyết đã buộc đến sự tham gia của tòa án

Nói đến vấn đề này thì cần phải quay trờ lại vào năm 1984, đó là khi EPA lần đầu tiên bắt đầu soạn thảo một quy định về việc ghi nhãn các thành phần độc hại trong thuốc trừ sâu. Nhưng đến năm 1987, cơ quan này đã loại bỏ dự thảo quy định này và thay thế nó bằng một danh sách 3 tầng. Tầng đầu tiên là danh sách các chất nguy hiểm nhất, và chỉ có các thành phần ghi trong đó là bắt buộc phải được liệt kê. Điểm đáng chú ý là không chất nào trong danh sách đó còn được sử dụng trong thuốc trừ sâu nữa.

Từ năm 1989, bản danh sách này đã không được bổ sung thêm điều gì. Vì vậy đến năm 2006, các nguyên đơn, cùng với các luật sư từ 14 bang đã yêu cầu EPA bắt đầu soạn thảo một quy định về việc công bố thông tin mới. Nhưng cơ quan này đã không có hành động gì và sau đó đã bị kiện về vấn đề này.

Garcia cho biết: Tới năm 2009, EPA mới khởi xướng lại việc soạn thạo lại quy định này nhưng cũng không hoàn thành nó, vì vậy chúng tôi đã nộp một đơn kiện khác. Khi đó EPA đã hỏi vặn lại tòa án và than phiền rằng mọi người không hề đọc những nhãn đó và cũng không bận tâm trong thuốc trừ sâu có gì, vậy thì tại sao phải bận tâm về vấn đề ghi nhãn. Một lập luận vô lý khác của EPA và các luật sư của họ ở Sở Tư Pháp là EPA cần phải cân nhắc khi đưa ra các chính sách bên ngoài FIFRA, và FIFRA yêu cầu EPA bảo vệ bí mật thương mại của các nhà sản xuất thuốc trừ sâu.

Có một điều vẫn luôn rõ ràng là FIFRA không cho phép các bí mật thương mại ảnh hưởng tới y tế. Nhưng EPA lại ẩn sau điều khoản trong đạo luật này để trốn tránh trách nhiệm bảo về con người và môi trường trước các loại thuốc trừ sâu.”

Khi được thẩm phán hỏi tại sao các chính sách của EPA tốt với môi trường hơn là chỉ đơn giản ghi nhãn các thành phần độc hại của thuốc trừ sâu, Debra Carfora - Luật sư cuả Sở Tư Pháp – đã trả lời “Tôi không nói là nó tốt hơn. Tôi chỉ có thể nói đây là một vấn đề hết sức phức tạp”

Thẩm phán của Tòa án Địa phương Liên Bang - William Orrick cho biết ông thấy lập luận của các nguyên đơn rất thuyết phục từ góc độ của một chính sách, nhưng thật không may khi FIFRA cho EPA quyền định đoạt rất rộng. Vì thế, ông không có lựa chọn nào khác ngoài duy trì tính hợp pháp trong các quyết định của EPA. “EPA có quyền tự quyết định, trừ phi tôi thấy rằng đó làm nhiệm vụ bắt buộc”

Anh Thư (Theo Naturalnews)