1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Có nên xem việc cha mẹ phạt đòn con cái là phạm luật không?

(Dân trí) - Xưa nay, câu thành ngữ “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vẫn được nhiều cha mẹ vận dụng, nhưng càng ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc phạt đòn con có thực sự có tác dụng hay không.

Ngay cả các chuyên gia về tâm lí và giáo dục cũng không thống nhất về vấn đề này. Một số người phản đối dạy trẻ bằng roi vọt, một số khác cho rằng áp dụng biện pháp này có chừng mực thì không gây hậu quả gì nhưng chẳng qua đã bị thổi phồng quá mức. Ví dụ như hành động bố mẹ dùng tay phát vào mông con để phạt, đa số các ông bố mẹ bà mẹ cho rằng không có hại gì, nhưng ở một số nước, họ có thể bị phạt tù nếu dạy con bằng cách đó.

Có nên xem việc cha mẹ phạt đòn con cái là phạm luật không? - 1

Theo báo cáo (tháng 11/ 2017) của Quĩ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trên thế giới có gần 300 triệu (tức là ¾ số) trẻ em từ 2 đến 4 tuổi bị bố mẹ hoặc người trông trẻ phạt đánh đòn. Biện pháp phạt đòn bao gồm đánh vào mông, đánh vào bàn tay hoặc dùng đồ vật đánh vào những chỗ khác – bà Claudia Cappa, Chuyên gia về số liệu và giám sát của UNICEF, đồng thời là một tác giả của báo cáo đó cho biết. Theo bà Cappa, cha mẹ thường kết hợp cả các biện pháp phạt bạo lực và không bạo lực, cả thể chất lẫn tinh thần (như chì chiết hay quát tháo) đối với con mình. Việc làm đó hoàn toàn sai nhưng lại là hình thức kỉ luật rất phổ biến và không chỉ xảy ra ở các gia đình nghèo khó mà ngay cả trong các gia đình khá giả, trẻ con cũng bị phạt đòn không kém.

Trên thế giới ngày càng có nhiều nước phê chuẩn luật cấm hoàn toàn các biện pháp phạt xâm phạm đến cơ thể trẻ em. Ngay từ năm 1979, Thụy Điển là nước đầu tiên có luật cấm phạt xâm phạm thân thể trẻ em và đến năm 1996 cũng chỉ có thêm 4 nước có luật tương tự. Tuy nhiên, xu hướng áp dụng luật cấm xâm phạm thân thể trẻ em trên toàn thế giới ngày một tiến nhanh. Kể từ năm 2006, khi bản Báo cáo toàn cầu về bạo lực trẻ em kêu gọi thì số lượng các nước thông qua luật cấm hành động này đã tăng lên gấp 3” – theo lời bà Anna Henry, Giám đốc của Tổ chức “Sáng kiến toàn cầu chấm dứt phạt xâm phạm thân thể trẻ em” (một tổ chức phi chính phủ của Anh do UNICEF và UNESCO hỗ trợ). Đến nay đã có 60 nước và vùng lãnh thổ áp dụng luật này, trong đó có các nước ở châu Âu, châu Mĩ và châu Phi (không có châu Á).

Mặc dù vậy, qui định của pháp luật cũng chưa đủ nếu nhận thức của mỗi cá nhân và các quan niệm xã hội không thay đổi, thậm chí luật sẽ trở thành nguy hiểm, vì khi đó chính pháp luật sẽ đẩy những hành động vốn hiển nhiên này trở thành những việc làm bí mật hoặc khó kiểm soát. Bà Ashley Frawley – Giảng viên cao cấp về xã hội học và chính sách xã hội, Trường đại học Swansea, Anh – lấy ví dụ ở quê hương Canada của bà có tình trạng các nhóm người dân tộc bản xứ bao đời nay vẫn coi việc cha mẹ phạt đòn con là bình thường, nhưng theo luật thì họ đã phạm tội và vì thế rất nhiều trẻ em trong các gia đình đó đã bị tách khỏi bố mẹ. Việc này dẫn đến đánh giá chung người dân tộc không phải là cha mẹ tốt, làm trầm trọng thêm vấn đề lâu nay người dân tộc thiểu số và tầng lớp lao động vẫn hay bị coi thường.

Ở góc độ khoa học, các chuyên gia đánh giá thế nào về hành vi phạt đòn trẻ nhỏ?

Nhiều chuyên gia cho rằng việc bị đánh đòn dẫn đến hậu quả tiêu cực khi đứa trẻ lớn lên, như: hung hăng, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, và thậm chí là bạo lực với bạn khác giới. Ông Andrew Grogan-Kaylor – Giáo sư thỉnh giảng của Trường Đại học Michigan và bà Elizabeth Gershoff – Giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Texas, đã nghiên cứu sâu về mối liên hệ giữa phạt đòn và hậu quả ở trẻ. Họ cho biết “hầu hết các chuyên gia đều nhất trí phạt đòn là có hại, vì việc này cắt đứt mối liên kết tình cảm giữa đứa trẻ và người chăm sóc trẻ”. Hành vi của trẻ không hề được cải thiện mà ngược lại, có rất nhiều hậu quả về sức khỏe tâm thần khi trẻ trưởng thành.

Không đồng quan điểm như vậy, một chuyên gia khác là giáo sư Robert Lazelere của Trường Đại học Oklahoma cho rằng “trong nghiên cứu của họ, bà Gerhoff và các đồng nghiệp không hề đưa ra một biện pháp kỉ luật nào khác thay thế cho việc phạt đòn để có thể giảm thiểu các hậu quả ở đứa trẻ”.

Nên chăng là phạt bằng cách không thưởng nữa?

Trong một phân tích tổng hợp trước đó, Giáo sư Lazelere đã tổng hợp kết quả của 26 nghiên cứu tiến hành từ năm 1957 đến năm 2005 về phạt đòn và các biện pháp kỉ luật thay thế mà cha mẹ có thể áp dụng. Ông nhận thấy trong số 13 biện pháp phạt, thì có 10 biện pháp mà khi áp dụng không có kết quả cha mẹ mới dùng cách phạt đòn như một biện pháp “dự phòng” để làm cho trẻ đỡ hung hăng hơn. Hình thức phạt đòn chỉ có hại nếu áp dụng quá nghiệt ngã như là dùng roi hay tát vào mặt, hay áp dụng thường xuyên. Giáo su Lazelere cho rằng “Chúng ta phải biết mức độ phạt thế nào cho vừa phải. Trẻ em cần được yêu thương, nhưng đôi khi chúng cũng cần được nếm trải những biện pháp cứng rắn nhưng có hiệu quả, nhất là với những đứa trẻ khó bảo.”

Nhìn chung, hầu hết các chuyên gia nhi khoa đều cho rằng nên tránh mọi biện pháp phạt xâm phạm thân thể, và có nhiều cách khác để cha mẹ có thể dạy con, chẳng hạn như phạt không được chơi đồ chơi yêu thích, không được thưởng, hay một biện pháp truyền thống gọi là “úp mặt vào tường” (timeout).

Phạm Hường (Tổng hợp)