Chuyên gia cảnh báo những tác hại khôn lường của thói quen ngồi nhiều, lười vận động
(Dân trí) - Có lẽ bạn sẽ phải rùng mình khi biết: “Mỗi giờ đồng hồ ngồi ì trên ghế sẽ rút ngắn hai tiếng tuổi thọ của chúng ta”. Không những vậy, theo các nhà khoa học, thói quen ngồi nhiều, lười vận động, vốn rất phổ biến ở người hiện đại, còn mang đến nhiều tác hại khôn lường khác cho sức khỏe.
Cột sống biến dạng
Theo thống kê, người hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng dành trung bình hơn 10 tiếng mỗi ngày cho việc ngồi ì trên ghế. Nghe có vẻ bình thường nhưng dưới góc độ khoa học, đây là một nếp sống hết sức đáng quan ngại. Theo giáo sư Galen Krantz (đại học California, Mỹ), xương sống của con người có hình chữ S là để chống lại sự biến dạng theo thời gian, khi phải gồng gánh trọng lượng cơ thể.
Tuy nhiên, khi ngồi, chúng ta lại vô tình biến cột sống thành hình chữ C, khiến nó rất nhạy cảm trước các lực tác động. Bên cạnh đó, trong tư thế ngồi, áp lực tác động lên đĩa đệm sẽ tăng cao, dẫn đến sự thoái hóa của cơ quan này về sau. Việc ngồi khom lưng, gập cổ cũng làm giảm sự lưu thông của máu lên trung ương thần kinh là bộ não. Do đó, bạn sẽ dễ đối mặt với các triệu chứng như đau đầu và mờ mắt.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng cao
Một trong những tác hại lớn nhất của thói quen ngồi nhiều, chính là nguy cơ đối mặt với các chứng bệnh về tim mạch. Vì lười vận động, hệ cơ của chúng ta sẽ bị yếu đi, các mạch máu bị ảnh hưởng làm suy giảm vòng tuần hoàn của máu. Về lâu về dài, việc cơ thể mắc phải chứng xơ vữa động mạch, cao huyết áp hay bệnh mạch vành là điều khó tránh khỏi. Một nghiên cứu diện rộng trên 17.000 trường hợp trong 13 năm đã chỉ ra rằng, những người ngồi nhiều, lười vận động sẽ có nguy cơ tử vong vì đau tim cao hơn đến 54%.
Bệnh lý giãn tĩnh mạch ở chi dưới
Khi ngồi nhiều, vòng tuần hoàn của máu sẽ bị mất cân bằng. Đặc biệt, hiện tượng này xảy ra nghiêm trọng nhất ở phần dưới của đôi chân. Cụ thể, dưới tác dụng của trọng lực, máu bị dồn nhiều xuống dưới, lâu dần sẽ dẫn đến bệnh giãn tĩnh mạch. Đáng ngại hơn, đây lại là một triệu chứng bệnh lý có thể di truyền được. Mặc dù cả hai giới đều có thể đối mặt với căn bệnh này, nhưng phụ nữ lại có rủi ro cao hơn bởi thói quen ngồi bắt chéo chân của mình.
Béo phì
Tình trạng béo phì ở những người ngồi nhiều, không chỉ đến từ việc thời gian vận động ít, mà còn là hệ quả của hiện tượng suy giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể. Có thể hiểu là: khi các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể không được chuyển hóa kịp thời hoặc chuyển hóa kém thành năng lượng, chúng sẽ bị biến thành mỡ thừa, khiến thân hình của chúng ta trở nên mất cân đối. Một nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, khi ngồi quá trình đốt cháy mỡ thừa sẽ bị giảm đến 90%. Ngoài ra, tư thế này cũng khiến nồng độ insulin trong máu giảm và huyết áp tăng cao.
Nhanh lão hóa và giảm tuổi thọ
Telomeres là tên gọi của phần chóp ở nhiễm sắc thể, vốn có tác dụng bảo vệ vật chất di truyền quan trọng này được toàn vẹn dưới các tác động bên ngoài. Telomeres sẽ trở nên ngắn dần khi con người già đi, đồng nghĩa với việc nhiễm sắc thể dễ bị tổn thương hơn. Đây cũng chính là một trong những nguyên của cái chết ở tuổi già. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, quá trình “bào mòn” Telomeres sẽ diễn ra nhanh hơn khi chúng ta ngồi nhiều và lười vận động. Thậm chí, nghiên cứu còn đưa đến một kết luận đáng sợ: “Mỗi giờ đồng hồ ngồi ì trên ghế, sẽ rút ngắn hai tiếng tuổi thọ của chính bạn”.
Minh Nhật
Theo BS