Sóng mặt trời chưa từng biết thách thức mọi định luật vật lý

Minh Khôi

(Dân trí) - Các phát hiện mới về một loại sóng gọi là HFR đã thách thức các định luật vật lý cơ bản mà con người từng biết từ trước tới nay, đồng thời gợi ý về những khả năng mà chúng ta chưa từng khám phá.

Sóng mặt trời chưa từng biết thách thức mọi định luật vật lý - 1

Tháng 4/2021, tàu thăm dò Parker đi qua ranh giới, tiến vào bầu khí quyển của Mặt Trời (Ảnh: NASA).

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại sóng tần số cao dạng mới trên bề mặt của Mặt Trời. Điều kỳ lạ là sóng này di chuyển nhanh hơn gấp 3 lần so với những gì nằm trong nghiên cứu trước đây

Họ gọi chúng là sóng xoáy ngược tần số cao (HFR). Sóng này được phát hiện khi chúng di chuyển theo hướng ngược lại với hướng quay của Mặt Trời. Kết quả về nghiên cứu này đã được mô tả và công bố ngày 24/3 trên tạp chí Nature Astronomy.

Được biết tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể khám phá những bí ẩn tận sâu bên trong ngôi sao ở trung tâm Hệ Mặt Trời. Vì vậy, họ thường chuyển sang đo và tính toán các sóng âm thanh di chuyển trên bề mặt, rồi phản xạ trở lại lõi của nó để suy ra điều gì đang diễn ra bên trong. Nhưng tốc độ chưa từng có của sóng HFR gợi ý rằng các nhà khoa học có thể đang bỏ lỡ một điều gì đó lớn hơn.

"Sự tồn tại của các sóng HFR và nguồn gốc của chúng là một bí ẩn thực sự và có thể ám chỉ đến những hiện tượng vật lý thú vị đang diễn ra", đồng tác giả Shravan Hanasoge, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Khoa học Không gian của Đại học New York, Abu Dhabi, cho biết trong một tuyên bố. "Nó có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ về 'thế giới bên trong' không thể quan sát được của Mặt Trời."

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng sóng âm mặt trời hình thành ở gần bề mặt nhờ hiệu ứng Coriolis. Theo đó, các điểm nằm trên đường xích đạo của một quả cầu đang quay tròn dường như di chuyển nhanh hơn các điểm đặt tại 2 đầu cực.

Sóng mặt trời chưa từng biết thách thức mọi định luật vật lý - 2

Hình ảnh Mặt Trời từ Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA (Ảnh: NASA).

Một khi các sóng hình thành, các nhà khoa cho rằng có tới 3 khả năng có thể tăng tốc chúng, để trở thành sóng HFR. Đó là do từ trường của Mặt Trời, hoặc lực hấp dẫn của nó có thể thúc đẩy các sóng Coriolis, hoặc các dòng đối lưu siêu nóng di chuyển dưới và bên trên bề mặt của nó được hình thành trong một quá trình đặc biệt.

Tuy nhiên, những sóng mới này dường như không phải là kết quả của những quá trình nêu trên, bởi không có quy trình nào khả thi, và phù hợp với dữ liệu. Điều đó đã dẫn đến một loạt các câu hỏi hoàn toàn mới, vượt qua các định luật vật lý cơ bản mà con người từng biết từ trước tới nay.

Việc lấp đầy những "lỗ hổng" trong kiến thức của nhân loại có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về bên trong của Mặt Trời, cũng như hiểu rõ hơn về cách mà Mặt Trời ảnh hưởng đến Trái Đất và các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời. 

Các nhà khoa học tin rằng kiến thức này cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về một loại sóng tần số cao tương tự, được gọi là sóng Rossby, có thể đã đi xuyên qua các đại dương của Trái Đất nhanh hơn gấp 4 lần so với các mô hình hiện tại mà chúng ta có thể giải thích.

Theo www.livescience.com