1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Bình Định:

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội

Doãn Công

(Dân trí) - Quan điểm quản trị "cái gì không đo lường được thì không quản lý được", thời gian qua, Bình Định phối hợp cùng doanh nghiệp công nghệ đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định, vừa có trao đổi với Dân trí về những kết quả và định hướng của tỉnh trong thời gian tới.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội - 1

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bình Định (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Định về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, hướng đến năm 2030 xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai và đạt những kết quả gì quan trọng, thưa ông?

- Về hạ tầng số, Bình Định tập trung xây dựng hạ tầng số, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, đảm bảo kết nối an toàn, hiệu quả. Nhờ đó, hiện nay, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ gần 73% hộ dân; mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2 được triển khai, kết nối đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và kết nối đến 159/159 xã, phường, thị trấn.

Hai tuyến cáp quang biển ADC và SJC2 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư với tổng dung lượng kết nối quốc tế 27 Tbps có trạm cập bờ tại TP Quy Nhơn, Quy Nhơn - Bình Định.

Về nền tảng số, thời gian qua, Bình Định phối hợp cùng doanh nghiệp công nghệ đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Nhiều cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin, như cơ sở dữ liệu dân cư, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, giải quyết thủ tục hành chính, phòng chống thiên tai, giao thông được cập nhật.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội - 2

Lễ công bố hợp tác đào tạo giữa trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn và Công ty FPT Software Quy Nhơn, góp phần tạo nguồn nhân lực căn bản thúc đẩy chuyển đổi số Bình Định ngày càng phát triển (Ảnh: Bình Định).

Tỉnh xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh, bước đầu được ứng dụng, phân tích, hỗ trợ lãnh đạo trong việc ra quyết định điều hành, quản lý; tập trung xây dựng nền tảng số trên diện rộng, trong đó các lĩnh vực ưu tiên là y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng.

Hiện có 4 trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành Công nghệ thông tin (CNTT), mỗi năm đào tạo khoảng 800 sinh viên trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành về CNTT. Đại học FPT phân hiệu Bình Định với trọng tâm đào tạo về trí tuệ nhân tạo đi vào hoạt động sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.176 thôn/xóm với 4.353 người tham gia.

Tổ công nghệ số cộng đồng ra quân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản dịch vụ công, tài khoản VNeID, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt.

Toàn tỉnh tổ chức 5 lớp tập huấn, hỗ trợ cho 130 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đồng thời phổ biến hơn 180 Tổ công nghệ số cộng đồng của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Hiện có 149 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội - 3

Chợ 4.0 ở huyện Phù Cát người đi chợ chẳng cần đem tiền mặt (Ảnh: Bình Định).

Ngày 18/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt việc kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.

Đến nay, Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định thu hút 2 doanh nghiệp hàng đầu đầu tư và hoạt động là Công ty TMA Bình Định và Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn (FSOFT Quy Nhơn) với hơn 1.000 nhân sự.

Để chuyển đổi số từng bước đi vào đời sống người dân, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức thì hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo. Theo ông, hiện nay hạ tầng công nghệ tại các địa phương, đặc biệt là các xã miền núi đảm bảo cho công tác chuyển đổi số?

- Các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng và phát triển 1.851 trạm BTS trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% tại trung tâm các xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 72,71% hộ gia đình và 100% các xã, phường, thị trấn.

Tổng số thuê bao điện thoại di động là gần 1,6 triệu thuê bao; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh là 76,5%; thuê bao băng rộng di động là gần 927.000 và thuê bao băng rộng cố định là gần 307.000.

Viettel Bình Định đã tổ chức thí điểm mạng 5G, với 5 trạm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.

Hiện còn 2 thôn/làng thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa chưa phủ sóng di động, gồm: Làng O2 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh); thôn Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh); trong đó, Làng O2, thôn Canh Giao chưa có điện lưới.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cuộc sống xã hội - 4

Đi chợ thời 4.0 chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã là tiền sẽ trừ vào tài khoản (Ảnh: Bình Định).

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025 sẽ đứng trong tốp 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo ông, đâu là cơ sở để địa phương hoàn thành mục tiêu đó?

- Thời gian qua, tỉnh Bình Định tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; xây dựng, ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh cũng xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025; xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh.

Tỉnh hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin chỉ đạo, điều hành từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn phần; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC).

Đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu, nền tảng ứng dụng dùng chung của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức trên môi trường số.

Bên cạnh đó, khi 2 tuyến cáp quang biển ADC và SJC2 của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư với tổng dung lượng kết nối quốc tế 27 Tbps có trạm cập bờ tại TP Quy Nhơn, được đưa vào khai thác, Quy Nhơn - Bình Định dần trở thành "cửa ngõ" để kết nối với thế giới và là "nút giao thông" quan trọng trong không gian mạng.

Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định được Chính phủ phê duyệt tham gia thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tại Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18/3/2023. Tại đây, đã có trên 1.000 nhân sự của Công ty TMA Bình Định và Fsoft Quy Nhơn làm việc và tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ có giải pháp căn cơ nào, cũng như chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số, thưa ông?

- Ngoài 2 trường ĐH Quy Nhơn, ĐH Quang Trung và một số trường cao đẳng, từ năm 2022, trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đã chính thức đi vào hoạt động với định hướng đào tạo chuyên sâu về AI.

Đặc biệt, trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đang đào tạo 4 chuyên ngành về công nghệ thông tin, gồm: AI, kỹ thuật phần mềm, an toàn thông tin, thiết kế mỹ thuật số. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ tỉnh hiện thực hóa dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định trong thời gian tới.

 Ông có thể đánh giá về kết quả bước đầu triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp như thế nào?

- Tỉnh Bình Định đã chỉ đạo triển khai các hệ thống thông tin quản lý đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin chỉ đạo, điều hành từ UBND tỉnh, đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn phần; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ TTHC.

Trong năm 2023, số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến là 257.175/510.640 đạt tỷ lệ 50.36%. Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.

Giao dịch thanh toán trực tuyến phí, lệ phí giải quyết TTHC trong tháng 5/2023 là 260.812 giao dịch thành công.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả bao gồm các sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và môi trường, Tư pháp, Y tế và UBND TP Quy Nhơn, thị xã: An Nhơn, Hoài Nhơn và huyện Tây Sơn; các xã, phường, thị trấn của thị xã Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Phù Mỹ, huyện Tây sơn.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy chuyển giao công nghệ số, kích thích sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp phát triển công nghệ số, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số.

Từ đó, tạo được sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số của địa phương, là tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi trong việc nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp.