1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chiếc trực thăng đầu tiên trên sao Hỏa chính thức ngừng hoạt động

Minh Khôi

(Dân trí) - Trực thăng Ingenuity triển khai trên Sao Hỏa vừa thực hiện chuyến bay cuối cùng trong sứ mệnh của mình.

Chiếc trực thăng đầu tiên trên sao Hỏa chính thức ngừng hoạt động - 1

Trực thăng Ingenuity hoạt động trên Sao Hỏa của NASA (Ảnh: JPL).

Thông tin này được NASA công bố ngày 26/1. Trong chuyến bay được thực hiện ngày 18/1, Ingenuity đã băng qua một vùng đồng bằng đầy bụi bặm thuộc miệng núi lửa Jezero ở độ cao khoảng 10 mét so với mặt đất.

Đây là chuyến bay thứ 72 của Ingenuity - chiếc trực thăng vốn chỉ được thiết kế để bay vỏn vẹn có 5 lần.

Ở độ cao khoảng 3 mét, Ingenuity bất ngờ mất liên lạc với tàu thám hiểm. Khi thông tin liên lạc được thiết lập lại và hình ảnh được gửi đến, NASA xác nhận Ingenuity đã gặp nạn, và đây là chuyến bay cuối cùng của nó.

Là phương tiện bay đầu tiên trên hành tinh khác khác, Ingenuity đã dành gần 1.000 ngày trên Hành tinh Đỏ để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, đồng thời giúp tàu tự hành (rover) Perseverance điều hướng địa hình Sao Hỏa.

Quãng thời gian này lâu hơn 33 lần so với kế hoạch ban đầu của NASA dành cho Ingenuity. Theo NASA, chiếc trực thăng ban đầu chỉ được thiết kế để thực hiện 5 chuyến bay, kéo dài trong 1 tháng.

Thế nhưng tính đến ngày 18/1, trực thăng đã thực hiện được 72 chuyến bay, với vận tốc và độ cao được cải thiện sau mỗi lần bay. Trước đó, Ingenuity đã đạt độ cao 12 m, là độ cao kỷ lục nó từng đạt được trong các chuyến bay.

"Hành trình lịch sử của Ingenuity - phương tiện bay đầu tiên trên hành tinh khác - đã kết thúc", Giám đốc NASA Bill Nelson xác nhận trong một tuyên bố.

"Nó đã bay cao hơn và xa hơn những gì chúng tôi từng tưởng tượng và đã giúp NASA làm được điều chúng tôi làm tốt nhất. Đó là biến điều không thể thành có thể".

Chiếc trực thăng đầu tiên trên sao Hỏa chính thức ngừng hoạt động - 2

Sứ mệnh Ingenuity sẽ mở đường cho các chuyến bay trong tương lai của con người tới Sao Hỏa và xa hơn nữa (Ảnh: Getty).

Theo người đứng đầu NASA, bằng việc thông qua các sứ mệnh như Ingenuity, NASA đang mở đường cho các chuyến bay trong tương lai của con người tới Sao Hỏa và xa hơn nữa.

Laurie Leshin, giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL), cho biết: "Tại NASA JPL, đổi mới là trọng tâm cho của những gì chúng tôi làm".

"Ingenuity là một ví dụ điển hình về cách chúng tôi vượt qua ranh giới của những gì có thể làm được mỗi ngày. Tôi vô cùng tự hào về đội ngũ của chúng tôi đằng sau thành tựu công nghệ lịch sử này và mong muốn xem họ sẽ phát minh ra thứ gì tiếp theo".

Được biết, mặc dù Ingenuity chưa "chết" hẳn, nhưng việc nằm lại trên mặt đất có thể khiến robot trực thăng này sớm bị vùi lấp trong bão bụi Sao Hỏa, như số phận một số con tàu khác của Mỹ, Nga.

Mặc dù vậy, Ingenuity đã hoàn thành sứ mệnh của mình với thời gian vượt ngoài mong đợi.