1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tiểu hành tinh dài 25 mét "ghé thăm" Trái Đất ngày 27/1

Minh Khôi

(Dân trí) - Một tiểu hành tinh sẽ bay vụt qua Trái Đất vào ngày 27/1 tới đây. Hành trình bay của nó đang được NASA theo dõi chặt chẽ.

Tiểu hành tinh dài 25 mét ghé thăm Trái Đất ngày 27/1  - 1

Ảnh minh họa tiểu hành tinh 2024 BJ bay qua Trái Đất (Ảnh: Getty).

2024 BJ - một tiểu hành tinh có chiều dài khoảng 25 mét - sẽ bay qua vùng không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng ngày 27/1. Các nhà khoa học của NASA xem đây là một vật thể bay gần Trái Đất ở khoảng cách tương đối, nhưng không đủ để tạo ra mối nguy hiểm cho chúng ta.

Được biết, khoảng cách gần nhất mà tiểu hành tinh này tạo ra với Trái Đất là xấp xỉ 353.000 km. Khoảng cách này bằng 2/3 quãng đường trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trăng, tức là nó thậm chí sẽ gần Mặt Trăng hơn.

2024 BJ nằm trong số 158 tảng đá vũ trụ mới được NASA phát hiện từ đầu năm 2024. Trong quá khứ, nó từng tiến gần Mặt Trời, rồi vượt qua quỹ đạo của Sao Hỏa, để rồi hướng tới Trái Đất.

Việc phát hiện sớm các tiểu hành tinh và vật thể lạ không gian có quỹ đạo bay gần, hoặc cắt ngang Trái Đất là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta lường trước các mối đe dọa, mà còn cho phép kịp thời phản ứng nếu như có gì đó bất ổn xảy ra.

Trong một số trường hợp, các tiểu hành tinh hoặc thiên thạch có thể khó bị phát hiện dưới ánh sáng Mặt Trời.

Ví dụ điển hình là một tiểu hành tinh vào ngày 21/1 vừa qua, đã lao xuống bầu khí quyển Trái Đất gần Berlin (Đức), tạo thành một quả cầu lửa rực sáng có thể nhìn thấy cách đó hàng km.

Điều đáng nói là sự việc chỉ có thể được phát hiện trước đó vỏn vẹn 3 tiếng. Rất may là đã không có hậu quả gì đáng tiếc xảy ra.

Trước đó, vụ nổ thiên thạch diễn ra ngay phía trên thành phố Chelyabinsk (Nga), vào năm 2013 cũng khiến vỡ cửa kính và hơn 1.600 người bị thương.